09/04/2022 - 21:34

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi hai

GIẶC GIẾT ÐÀN TRÂU

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.     Cái chết của cô Sáu Dân và cô Hồng Láng, cùng hàng chục cô chú khác tạo khoảng trống trong cuộc sống ở con đường 1C. Ðói rách và bệnh tật bắt đầu xuất hiện đè nặng tâm trí của cán bộ lãnh đạo. Làm sao có gạo ăn cho anh em no đủ để tải hàng? Thức ăn của voi, ngựa, trâu, bò còn rất ít, cứ có khách thì xin lệnh Ban Chỉ huy lấy một ít chiêu đãi. Hôm bác Hai Văn - Phan Văn Ðáng, Phó Bí thư Trung ương Cục ghé trạm, các cháu cũng lấy “khẩu phần trâu” là nếp và đậu ra nấu chiêu đãi. Nào ngờ lúc ăn, bác Hai Văn phát hiện, sao bác thì có cơm nếp, đường thốt nốt (khẩu phần voi) còn các cháu thì ăn gì chén đen đen mà bưng giấu hoài. Ra lệnh đem lại coi, mới rõ anh em thanh niên xung phong ăn cọng môn nước nấu với cây cù nèo, nước tro thay muối. Ðó rồi bác cháu xúm nhau khóc mướt.

Cô Sáu Dân hôm đến Trạm T80 Hòn Ðất, định về Khu đoàn, nhưng thấy các em đói rét quá, ra lệnh nấu nếp và đậu cho mấy em ăn no một bữa lấy sức. Còn cô Sáu và chú Thủy (vệ sĩ cô Sáu) thì chỉ lùa qua loa, nhường cho các em mình ăn no một bữa, lấy khẩu phần trâu ra ăn mà! Ăn mà bổn thôn trong bụng sao đâu á, nước mắt tuôn. Nhưng sau bữa ăn đó, cô Sáu Dân và chú Thủy không còn nữa. Thay vì đi luôn về T3 để gặp Thường vụ xếp lương thực cho thanh niên xung phong, nên đến đường cộ bị trái gài của giặc nổ chết…

* * *

Voi ngựa thì bên phía Bắc bờ Vĩnh Tế tới Stúc Mía - Kirivong về Chạp Ðay, tận ngọn rạch Dứa. Còn trâu chia hai, đội Hòn Ðất (Trạm T80) được vinh dự giữ đàn trâu của Liên đội I. Cô Tám là đứa “chăn trâu”. Lúc chú Năm Ðoàn và anh Sáu Thiện nhận trâu về, chú hỏi:

- Ðồng chí nào biết chăn trâu giơ tay lên!

Ôi đông quá, mà phần nhiều là đám con trai, con gái nhỏ tuổi. Cô Tám nghĩ, cô là chăn trâu chánh hẩu đây mà! Hồi nhỏ, nhà cô Tám nuôi trâu, cô Tám hay ra giỡn với trâu, rờ tai, rờ mũi trâu, biết cách cỡi trâu, cách cho trâu ăn và ra lệnh cho trâu đi, trâu đứng… Cô Tám nói giữa tập thể:

- Em từng chơi với trâu, biết giữ trâu!

Hải tặc nói:

- Biết đâu nói thử, dượt thử coi nào!

Trời đất, tưởng ai, nhè thằng Hải tặc nữa rồi. Cái thằng bị mấy chị bịt mắt không cho dòm người ta tắm đó mà cũng “ý kiến”. Hải tặc nói luôn:

- Em hỏi chị Tám nè, muốn trâu dừng lại nói sao, muốn nó đi bên trái, bên phải nói sao? Chị có chăn trâu thì chị giỏi nói đi!

- Tao nói trúng rồi mày tính sao?

- Thì chị giữ trâu. Còn nói trật thì nhường cho em giữ trâu chớ tính sao?

- Mầy nghe đây, muốn trâu dừng lại ra lệnh “Dò, dò!”. Còn khi nó đang kéo cộ, kéo xe, muốn nó đi bên phải ta nạt “Dí dô!”, muốn nó đi bên trái nạt “Thá ra!”.

Ban lãnh đạo đã chọn cô Tám giữ trâu rồi, nhưng có “tranh chấp” phải chờ cho mấy chú “mục đồng” thi thố với cô Tám một chút, rồi chú Sáu Thiện mới hỏi:

- Sao, Hải tặc chịu cho chị Tám giữ trâu chưa?

- Chịu rồi, nhưng phải cho em tiếp với!    

Cô Tám đe:

- Tiếp cái gì, muốn xin cỡi trâu phải hỏi, còn cắt cỏ cho trâu ăn phải coi chừng sâu bọ. Làm được vậy thì cho chơi với trâu, nhớ chưa?

Thống con, Hải tặc, Ốc Tiêu và mấy chú lon con cao hứng hoan hô vang dậy.

2.     Chiều, đàn trâu đen trũi được cô Tám điều từ cụm tràm cao, dẫn ra chỗ bãi trống, bắt ách và gắn cộ vào. Hai con trâu một cái ách kéo một cộ. Sạp cộ lát tre, lĩa cộ bằng cây me keo, mũi cong vút, toàn thân cộ vững chắc, với sức trâu kéo được 300 ký, bằng 10 chị em thanh niên xung phong khỏe mạnh. Kiện tướng Nguyễn Thị Tuyết (Tuyết B52) người trắng trẻo khỏe đẹp, Trung đội trưởng Ðại đội Tây Ðô gùi 50 ký, bước đi như không. Kiện tướng mang vác “Dũng Giá Rai” gùi 39 trái đạn cối 60 li và một thùng đạn nhọn 500 viên, đi 7km đường xấu. Kiện tướng nhìn 2 con trâu kéo một cộ, vỗ vỗ đầu trâu: “Dò! Dò… Mầy còn “ngon” hơn chị nữa hén”. Ráp nhau đưa cỏ tươi lại cho mấy con trâu ăn: Cái Chim, Cái Én, Sừng Bẹt, Sừng Bầu, Ðực Mẫm, Ðực Xe, Ðực Pháo… mỗi con đều có tên. Mấy con nghé chưa có tên thì kêu là “nghé”. Mẹ cha, anh, chị, của nghé bị “bắt ách” kéo hàng nặng nề, nghé chạy theo lon ton, hiền hậu dúi đầu vào người các cô các chú, nghé nhõng nhẽo.

Giao hàng xong rồi, chuyến về xe không. Mấy chị “quá giang” lên cộ ngồi. Mấy chị tỏ ra vui mừng lắm. Ngồi cộ xem em gái cưỡi trâu quất roi mây “trót” “trót” dí - thá, ra lệnh oai vệ ghê lắm. Anh Bình cũng hỏi:

- Tám ơi, cho anh ngồi cộ, anh kể chuyện Ba Phi cho nghe!

- Em mê chuyện Ba Phi lắm, nhưng em lỡ hứa cho mấy chị đi rồi. Xe cộ chở có hạn, mỗi cộ em chở 5 chị là vừa. Anh Năm Ðoàn sợ trâu què lắm, nên dặn em không cho trâu chở quá tải, chở mấy chị còn hổng hết, làm gì chở tới mấy anh?

Mấy anh giận, nói:

- Con nhỏ này, chỉ biết có mấy chị nó!

Nói vậy chớ mấy anh có giận đâu. Hồi nầy (lúc trâu còn) cô Tám có “quyền” lắm. Cô oai lắm vì muốn cho ai có giang là quyền cô. Về tới trại trâu mấy chị xuống cộ về cứ. Cô Tám động viên mấy cô ở lại ngủ với cô Tám, đặng sáng cô Tám “nạnh” mấy cô phụ xách nước cho trâu uống. Trâu uống nước cả thùng. Hơn chục lớn bé nó uống “thầy chạy” luôn. Nạnh mấy cô xách nước cho trâu uống, còn cô Tám thì cắt cỏ cho trâu ăn. Trưa xế mới nấu cháo nếp đậu, bỏ đường vô chờ nguội mới “bồi dưỡng” cho trâu. Con nghé không có chế độ, nhưng thấy đổ cháo nếp nấu đường là nghé chạy lại dúi dúi vào bụng cô Tám “nghé, nghé”. Nó xin ăn!

Các cô ngủ lại trại cầm trâu thì sáng lội về, sau khi xách nước cho trâu uống để trâu “chết khát tội nghiệp” vì để trâu gần đìa sợ máy bay trực thăng thấy bắn trâu chết, nên cô Tám đem đàn trâu cột trong cục tràm chồi, mà chỗ đó đi xách nước cho trâu uống xa lắm, cô Tám phải miệng lưỡi nhờ mấy dì, mấy cô xách tiếp mới xuể. Mà cô Tám có lời giao ước:

- Em cho mấy chị ngồi cộ có giang về, sáng mấy chị tiếp em xách nước cho trâu uống nghen.

Mấy chị mỏi chân quá hứa dễ dàng:

- Ừ, được thôi mà. Con nhỏ nầy giống địa chủ quá!

Và sáng ra mấy chị xách nước cho trâu uống đàng hoàng mới về cứ.

Cũng nhờ những lần ngồi cộ như vậy, mấy cô đội Trà Vinh - Vĩnh Long với đội Tây Ðô mới kể lúc ở tuyến Vòng Cung phục vụ cho trọng điểm I thế nào. Các cô chú chuyển thương binh và chôn liệt sĩ  nhiều lắm. Cô Dương Thị Cẩm Vân - kiện tướng giữ chiến hào Ðầm Dơi cũng hy sinh trên chiến trường ác liệt đó. Còn mấy cô chú thì không có ai hy sinh trong chiến trường cả. Ðến lúc lên tới Núi Trầu mới bị giặc đánh, hy sinh 30 người, trong đó có chú Việt mất tích…

Cũng những lúc ngồi cộ về cứ, cô Tám mới bắt chú Bình, chú Thiện kể chuyện Bác Ba Phi “Gà lai cúm núm”, “Trứng rồng xảm xì”, “Tàu rùa”, “Ếch ca vọng cổ”… Chuyện kể đi, kể lại nhiều lần, nhưng lần nào cũng cười vỡ rừng, cười hoài khiến đàn trâu cao hứng “nghé ngọ” lia chia…

     (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết