08/04/2022 - 13:23

1C - con đường huyền thoại

*  Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi mốt
ĐĂNG KÝ “BA KHOAN”

 

1. Văn phòng Ban Chỉ huy Liên đội trầm sâu vào nỗi buồn, tiếc thương đồng chí anh em vì Tổ quốc hy sinh tuổi thanh xuân. Nhưng Ban Chỉ huy phải nghiên cứu từng trường hợp hy sinh để rút kinh nghiệm, hạn chế tối đa tổn thất…

Nội dung “Sống ngang tầm thời đại” do đồng chí Chín Ðào - Phan Minh Tánh biên soạn đã tập hợp nhiều tư liệu quý, khái quát chất lý tưởng và tính thời đại cho tài liệu. Còn nội dung “Ba khoan” này phát động hơi “găng”. Lai rai có thơ tố giác chuyện quan hệ lôi thôi, lặt vặt giữa con gái con trai, lứa tuổi dậy thì làm gì không có chuyện. Nhưng tại sao ta đặt vấn đề phát động lành mạnh hóa quan hệ nam nữ thanh niên xung phong lấy tình yêu Tổ quốc làm trọng.

Hôm nay, chú Năm Ðoàn và cô Út Nhì, cô Bảy Thu, chú Sáu Thiện sẽ hướng dẫn cán bộ Ðại đội đến tiểu đội quán triệt nội dung “Ba khoan”.

Trên bãi cỏ rộng lớn, hơn 100 đại biểu của cả Trung đoàn Thanh niên xung phong tuyến 1C về học tập kế hoạch Ba khoan để về phổ biến đơn vị.

Giữa không khí vui nhộn, chọc ghẹo nhau không ngừng nghỉ. Chú Năm Ðoàn mặc áo vá nhiều lỗ, từ phía văn phòng, bước thẳng ra ngồi giữa các chị em. Chú Năm móc trong sắc cốt ra một xấp giấy đánh máy, lật tới, lật lui rồi ngừng lại mấy trang có đánh chữ đỏ và nói:

- Thưa các đồng chí. Hôm rồi, sau Ðại hội Trung ương Ðoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, ta phát động rầm rộ 5 xung phong. Cái nội dung 5 xung phong đó, ta học tập thảo luận và chấp hành rồi nhưng mỗi cá nhân, mỗi đồng chí có thể nhận lại thực hiện 1 hoặc 2 hoặc nhiều lắm là 3 xung phong thôi, không thể một mình tự làm một lúc 5 xung phong. Nhận thức vậy rồi, ta còn nhận thức thanh niên xung phong là xung phong cao nhất, ngang hàng với xung phong tòng quân giết giặc. Thanh niên xung phong nay được Bộ Tư lệnh miền và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trang bị súng cối, B40, B41, súng đại liên 12 li 8, súng phóng lựu, AT tăng, pháo dù… thì coi như là ta ở trong diện xung phong số 1, ta là quân nhân đó… Bây giờ Khu đoàn yêu cầu Liên đội I triển khai nội dung “Ba khoan” cho tất cả anh chị em chúng ta nắm chắc nội dung rồi làm cam kết hứa hẹn khoan gì, khoan gì, tùy hoàn cảnh mình mà định mức.

Thưa các đồng chí. Vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng còn trải qua nhiều hy sinh gian khổ, nhưng nhất định phải thành công. Nên “Ba khoan” là cách ta tự nguyện có nhiều cống hiến nhất cho sự nghiệp cách mạng thành công. Khoan thứ nhất: “Khoan yêu!”. Thứ hai là, đã lỡ yêu rồi “Khoan cưới!”. Thứ ba, đã lỡ cưới rồi “Khoan có con!”. Nội dung bàn bạc thảo luận bình đẳng, nam, nữ được tự do trao đổi nhau và nam cũng ký cam kết với Ban Chỉ huy như nữ để gửi về báo cáo Khu đoàn!

Hải tặc giơ tay lên xin nói. Cô Út Nhì hỏi:

- Ðồng chí Hải có đề tài gì mà xin nói?

- Thưa thủ trưởng, hổng có gì hết, như tôi vầy đăng ký khoan nào?

Hải tặc nói xong, cả hội trường cười cái hì. Kim Lài:

- Hải tặc ơi, đăng ký trọn đời không yêu đi!

Thống con thấy các anh chị lăng xăng bàn tán quá, cậu không biết đăng ký khoản nào. Hỏi Kim Lài:

- Chị… chị, em đăng ký khoản nào?

- Cậu hả? Ðăng ký yêu khoan cưới!

- Trời… trời! Em đâu có biết yêu gì đâu?

Út Mản góp thêm vào:

- Mầy hả, xin đăng ký trọn đời không yêu.

Cười giỡn như vậy là sinh hoạt nhộn nhịp của tuổi trẻ. Thực chất họ biết đây là chủ trương quan trọng của Ðoàn. Vì bận tình yêu, bận cưới hỏi, bận con cái thì sẽ quên nhiệm vụ thiêng liêng là Tổ quốc.

Út Mản và Quang tranh thủ trao đổi nhau, rồi cô vào đăng ký “yêu khoan cưới” thời hạn 6 năm! “Cưới rồi khoan có con”, ở đơn vị Thanh niên xung phong 1C không có vì có anh chị có chồng, có vợ đi công tác cơ quan khác hoặc ở địa phương thì họ được điều chỉnh đi công tác trước khi lên 1C. Những ai đến 1C sẽ khó về thăm hoặc làm bất cứ nghĩa vụ gì với gia đình. Ðây là đất thánh của những cảm tử quân “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Một lát, cô Minh Tơ - thư ký văn phòng của Ban Chỉ huy Liên đội, lấy sổ có gạch cột ra ghi danh sách từng đồng chí anh em. Hải tặc, Thống con, Ốc Tiêu… đều bị cô gạt ra, vì “con nít trân” mà đăng ký nỗi gì? Mấy cậu thắc mắc “Bộ nhỏ rồi không biết yêu chắc?”. Ốc Tiêu nói với Hải tặc:

- Mầy yêu ai? Lộn xộn hoài.

- Yêu bà đó!

- Trời ơi trời, cái thằng này!

Ráp nhau cười vui vẻ. Mấy chú nhỏ lại bị mấy chị “tương” vào đầu lóc cóc.

Chú Năm Ðoàn hội ý với mấy cô chú Ban Chỉ huy một hồi lâu, trở lại công bố số liệu của hai khoản đăng ký. Khoản “khoan yêu” chiếm 70%. Nghe đọc số liệu, mấy cô chú trẻ măng la:

- Ai chưa yêu “khoan yêu” giơ tay lên!

Giơ tay cái rần, chú Năm thấy lính mình ồn ào nhưng mặc kệ cho nó vui, chú cũng cười vui theo, chú cũng giơ tay, mấy cô chú càng cười ầm lên một đợt nữa. Tám Hoa hỏi:

- Anh Năm chưa yêu khoan yêu hả anh Năm?

Thu Nguyệt:

- Còn chị Út, chị đăng ký vô đâu?

Ngọc Ðẹp:

- “Khoan yêu” chị Út ơi!

Lại cười rần rần. Kỳ thật cô Út không có yêu ai. Cho đến sau ngày toàn thắng cô mới có gia đình, xây dựng với chú Tư - Nguyễn Ðức Toàn - nguyên Tổng Ðội trưởng Thanh niên xung phong miền Nam.

2. Thanh bắt đầu trổ mã con gái. Lúc tắm dưới đầm Thị Tường, chị Hồng Láng sờ ngực tuyên bố Thanh có chồng được rồi! Ðó là chị Láng ghẹo em chơi. Nay thì cô lớn lên và đẹp. Thanh bắt gặp những đôi mắt con trai nhìn mình là lạ, cô không thích cách nhìn như vậy, cô hiền hậu, chơn chất. Nhưng trong đoàn Vĩnh Long - Trà Vinh qua có anh Bình mà theo cô “dễ thương hết sức”. Thỉnh thoảng cô bắt gặp anh Bình nhìn cô, và cô nữa, lại thích nhìn anh Bình. Anh Bình hỏi:

- Cô Thanh quê ở đâu vậy?

- Em ở xã Phong Lạc, ấp Ðất Cháy, Cà Mau.

- Còn ba, má hôn?

- Em còn má!

- Em bao nhiêu tuổi?

- Mười bảy!

- Còn nhỏ quá vậy?

- Em lớn rồi đó anh Bình!

Ðang hỏi chuyện, một bạn gái nhỏ của hai người qua ngang, nói chen vào:

- Hỏi gì đó? Hỏi hôn hả?

Mấy ngày sau, nhân lúc đi chung một xuồng. Lúc ghé xuồng vào bãi sau, tay vói hái rau, Thanh mới hỏi Bình:

- Anh Bình, anh ở đâu lận?

- Cù lao Long Hòa thuộc huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh, giáp Bến Tre.

- Ôi, sao anh ở xa quá vậy?

- Ðâu có xa, anh ở bên em nè!

- Nhà anh còn ai?

- Còn mình má, ba hy sinh trong đánh Pháp.

- Còn vợ anh?

- Vợ anh hả?

- Ờ, vợ anh là ai?

- Sau này mới biết. Chắc em biết người đó mà!

- Anh nói xa vời vậy, mới đăng ký rồi hả?

- Ờ, anh đăng ký “đang yêu”!

- Ủa, sao kỳ vậy “đang yêu” đâu có…

- Có nè.

Thanh chợt hiểu ra:

 - Anh kỳ quá! Anh Bình thiệt là…

Từ đó hai người lẳng lặng. Họ chồm qua nhau hái những cọng rau và ngần ấy kỷ niệm lưu dấu suốt một đời. Mấy hôm sau đó, Thanh bị sốt rét. Bác sĩ Chín Tần cho uống “ký nin” viên và chích vitamin C, cho nằm nghỉ ở trạm xá dã chiến. Thanh bị cơn sốt lên mê man. Nhưng vừa tỉnh, cô nghe thấy như có ai đến thăm mình mà đứng ngoài cửa lâu lắm.

- Ai đó?

- Anh, Bình! Anh đến thăm em nãy giờ lâu!

- Anh vô chơi.

- Thôi, tới giờ họp tổ rồi! Mai mốt anh lại thăm em.

Nào ngờ sau cuộc họp tổ, đi công tác, Bình hy sinh. Ba mươi năm sau đại thắng, Thanh mới lấy hài cốt của Bình quàn trong chiếc quách nhỏ do Ty Thương binh Xã hội tỉnh Kiên Giang trang cấp. Thanh cùng anh Tư Bay - nguyên thủ trưởng của Bình thời thanh niên xung phong 30 năm trước, cùng nữ nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, mang chiếc quách hài cốt của Bình về tận quê hương, an táng nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - ở cù lao Long Hòa, giáp Bến Tre.

Thanh thăm bà mẹ của Bình, bồi hồi thắp nén nhang lên bàn thờ, mà tấm ảnh do nghệ sĩ bác sĩ Trần Minh Hữu chụp lúc công tác chung trong Liên đội Thanh niên xung phong. Tấm ảnh của người con trai đẹp đẽ, cao quý, con của má đây: Bình, liệt sĩ - với bằng Tổ quốc ghi công. Má chỉ còn lại bao nhiêu đó của Bình.

Thanh trao má quà tặng của Thanh dành dụm đồng lương mua sắm là chiếc mền nhung ấm áp. Ðời mẹ nghèo chưa bao giờ có chiếc mền như vậy. Nhận chiếc mền, má khóc:

- Con là ai?

- Con là Thanh, bạn đồng đội của anh Bình.

- Sao con biết má ở đây mà đến?

- Hồi đó, lúc hái rau với con, anh Bình có nói má ở đây!

Bà má lại khóc. Và má chợt hiểu tấm lòng của Thanh. Má đứng dậy, kéo Thanh vào lòng:

- Con lại đây với má chút đi con.

Một đời mẹ mong chờ! Một đời con ra trận, còn có phút giây này mà thôi.

     (Còn tiếp)

 

 

Chia sẻ bài viết