07/04/2022 - 09:10

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi

CHỊ SÁU DÂN HY SINH - ÐÓI

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3. Chú Tư Bay nói:

- Mua gạo là một nỗ lực phi thường của thanh niên xung phong tuyến 1C. Sau Tết Mậu Thân 1968 là ta bị giặc phong tỏa. “Ði không về rồi” là chuyện bình thường. Các đồng chí nhớ, có nhiều lần ta mua không được mà còn bị giặc phục kích bắn chết hoặc bị thương nhiều anh em nữa chớ!

Chú Hai Tân tiếp lời:

- Anh Tư nói đúng, gánh Tây Ðô và Vĩnh Trà tụi mình từ Liên đội II tuyến Lộ Vòng Cung lên tuyến 1C để nhập vào Liên đội I. Ta bố trí cho anh em đi mua gạo và thuốc ở Bình Sơn. Giặc phục kích bắn bị thương bốn, năm đồng chí. Có người bị thương nặng phải giải quyết “đại phẫu thuật” cũng may là sống tất cả.

- Ở Trạm 80 Hòn Ðất, các cô Năm Hoa, Tư Kình là cán bộ đại đội lo hậu cần cho đơn vị. Hai cô bơi xuồng ra kinh xáng Mỹ Lâm tìm mọi cách “móc” đồng bào mua gạo, mua muối giúp. Khi hai cô đi, cả đơn vị ở nhà nín thở lắng nghe tiếng xuồng về đặng chạy ra mừng. Nhưng kết quả như những lần trước, là mua không được gì hết.

- Cảnh mua gạo của thanh niên xung phong thật là gian nan, sống chết. Kinh Xáng Mỹ Lâm nằm trong tuyến 1C nên chủ trương của giặc là kiểm kê lương thực, thực phẩm của dân chúng. Ngày nào bọn lính cũng đến từng nhà xét thùng gạo, hủ muối. Gạo chúng đem vào kho trong đồn, dân địa phương lại mua từng bữa về nấu ăn. Ban đầu chúng chưa cấm khoai, mì, đậu. Sau ta mua cả các thứ đó nên nó cấm bán khoai, mì, đậu cho Việt cộng đói luôn.

- Dân tuy thương thanh niên xung phong, nhưng tích trữ gạo thế nào thì họ chưa có cách nên một mặt bị chúng kiểm soát, một mặt là ta chưa có cách tiếp liệu nên dân khó giúp ta, anh em ta thiếu ăn một, hai tháng, phải đói và bệnh tật. Thiếu gạo đã khó. Thiếu muối càng khó hơn. Máu thiếu vị mặn, ta nhiễm bệnh dễ dàng. Thằng giặc ở tuyến 1C phong tỏa khá thành công để gây trở ngại cho thanh niên xung phong.

- Nhớ mãi bữa cơm thanh niên xung phong đãi chú Hai Văn - Phó Bí thư Trung ương Cục, trong lần đi miền Tây chỉ đạo tổng tấn công nổi dậy như phần trước đã nói.  Khi thanh niên xung phong mời “Mấy cháu kính mời chú Hai dùng cơm”, chú Hai nói: “Chú sẽ ăn với mấy cháu, cơm nếp à? ”, các cháu trả lời: “Dạ, ăn cơm nếp mới lâu đói chú Hai”, chú Hai vui vẻ: “Ờ, nếp lâu đói, chú ăn đây”. Chú Hai và mấy đũa cơm nếp, có đường tán từ mấy cây đường thốt lốt chặt ra, cục vuông nhỏ. Chú khen: “Ngon quá, ngon thật. Ủa rồi sao mấy cháu không lại bới ăn? Mấy cháu ăn món gì?”. “Dạ mấy cháu ăn gạo, ăn đậu”. Chú Hai Văn bắt đầu hồ nghi, ra lệnh: “Này Thống con, bác cháu ta đóng vai ông cháu cỡi trâu tìm trâu lạc. Giờ cháu ăn món gì đó trong chén đem lại bác coi nào?”. Thống trả lời: “Dạ cháu ăn cơm gạo nấu, đậu nấu mì khoai ạ!”. Chú Hai bảo: “Ðược rồi cháu ăn nhiều thứ quá đem đây cho bác coi đi!”. Thống lo sợ : “Dạ thưa bác…!”. Chú Hai ra lệnh: “Ậy mà, đem chén coi cháu ăn món gì thôi. Bác có rầy đâu?”. Thống con đem chén rau luộc lại, chú Hai gắp một đũa bỏ vào miệng nhai, cố nuốt rồi khóc mướt nhìn cháu. Chú Hai vuốt tóc Thống con: “Bác thừa nhận là cháu anh hùng! Ăn vầy, sống vậy, chiến đấu vận chuyển vũ khí như vậy, thanh niên xung phong 1C là anh hùng!”. Chú Hai Văn - Phan Văn Ðáng xúc động mạnh nói: “Các đồng chí! Tôi là Hai Văn - Phan Văn Ðáng, qua tuyến 1C học tập gương hy sinh gian khổ chiến đấu và vận chuyển hàng quân sự của các đồng chí, để tôi nâng cao quyết tâm hơn nữa, đánh bại bọn xâm lược, dù chúng có mưu thần chước quỷ, vũ khí tối tân, quân đông súng nhiều cỡ nào. Dám sống như thế này để thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, để “Sống ngang tầm thời đại” để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là chiều cao của các bạn thanh niên xung phong tuyến 1C trong lịch sử vệ quốc ở cánh đồng biên giới này tới đỉnh của mấy ngọn núi quê hương…”.

Chú Hai về chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy ở T3. Nhờ chú Hai, 3 tháng sau tuyến 1C có gạo trong các kho nổi đầy rừng căn cứ. Thanh niên xung phong không còn đói nữa!

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết