05/04/2022 - 08:54

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi

CHỊ SÁU DÂN HY SINH - ÐÓI

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Cuộc tiến công đảo chính diễn ra thế nào, chú Tám, chú Tư ở Ðiện Mặt Trăng, Lò Ảng Hòn Ðất, MoSo, vẫn tìm hiểu được để nghiên cứu (qua các đài và báo chí). Câu chuyện của chú Tám và chú Tư tiếp tục. Chú Tám nói:

- Diệm - Nhu không ngờ hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến đánh núi Thị Vãi phía Bà Rịa là cuộc hành quân giả. Ðến giờ G, hai tiểu đoàn đó chọc thẳng vô Sài Gòn, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Liên (cháu Ðỗ Mậu). Một tiểu đoàn đổ ra chiếm Nha Cảnh sát gần đường Phan Ðình Phùng, phát lời kêu gọi các tướng lĩnh đảo chính, xưng danh và cấp bậc từng người lúc phát loa.

- Ðoàn quân Vạn Kiếp tấn công thành Cộng Hòa với sự phối hợp của Trường Thiết giáp và Tiểu đoàn nhảy dù, dưới sự hỗ trợ của Sư đoàn 5 Bộ binh do Ðại tá Thiệu cầm đầu. Hai khu trục từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhất cất cánh tham chiến. Vùng I và Vùng II không gởi quân tiếp cứu Diệm. Vùng IV, Thiếu tướng Tư lệnh Huỳnh Văn Cao lệnh một trung đoàn tiến về thủ đô (Sài Gòn) chống đảo chính nhưng đến phà Mỹ Thuận không qua sông được do Ðại tá Nguyễn Hữu Có đem hết phà về phía bên này sông giữ lại. Ðêm 1-11-1963, Huỳnh Văn Cao buông súng đầu hàng quân đảo chính!

- Anh em Ngô Ðình Diệm rời dinh Gia Long. Ông Nhu muốn đi riêng, nhưng Diệm ngăn lại: “Chú đi một mình tụi nó giết chú! Chú đi với tôi!”. Diệm - Nhu ra đường Lê Thánh Tôn bằng xe thường, đến trước Tòa đô chánh gặp ông Cao Xuân Vỹ. Tại đó chuyển qua chiếc xe chở hàng bít bùng do Trung tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Ðô trưởng Nội an - Thành đoàn trưởng Thanh niên Cộng hòa Sài Gòn lái. Ông Phước hẹn với Vỹ đi xe nhỏ theo sau, gặp tại Ðại thế giới, Chợ Lớn.

- Diệm - Nhu đến thẳng nhà bà Cao Văn Viên đường Ngô Quyền - Chợ Lớn. Bà Viên nói chồng bà bị bắt giữ, cho nên nhà mất an ninh, khuyên hai ông ấy không nên ở lại. Nhu lại nhà của Mã Tuyên, một thương gia Tàu giàu có. Tại đó có đủ điện thoại để liên lạc khắp nơi. Diệm - Nhu hy vọng tướng Khánh ở Pleiku có thể giúp được, vì Vùng I và Vùng II chiến thuật chưa tuyên bố ủng hộ đảo chính. Nhưng 4 giờ sáng, nghe Khánh (Vùng II) và Trí (Vùng I) ủng hộ đảo chánh, hai anh em họ Ngô thất vọng, ra khỏi nhà Mã Tuyên vô nhà thờ Cha Tam - Chợ Lớn.

- Tên Conein lúc đó bộc lộ sự lo lắng, theo dõi bám sát các tướng, hỏi mãi: “Hai ông ấy đi đâu, phải bắt cho kỳ được vì rất quan trọng” - cách hỏi dò la xem Diệm Nhu ở đâu.

- 6 giờ sáng ngày 2-11-1963, Trần Thiện Khiêm nhận điện thoại của chính ông Diệm gọi đến bảo cần gặp Trần Văn Ðôn. Qua điện đàm với Ðôn, Diệm biết tình thế xấu quá, mới bảo: “Thôi được! Nhưng tôi yêu cầu dành cho những người lính chiến đấu cho chúng tôi ở dinh Gia Long được danh dự lần cuối cùng - Honneurs militaires”.

- Yêu cầu của Diệm không được Hội đồng tướng lĩnh chấp nhận vì mờ sáng hôm đó quân Diệm trong dinh Gia Long đã phất cờ trắng xin hàng, nhưng khi quân đảo chính tiến vào liền bị phía trong bắn ra xối xả. Ðại úy thiết giáp Bùi Ngươn Ngãi trúng đạn chết tại chỗ. Do vậy không thể không trừng phạt. Diệm im lặng sau khi nghe vụ việc, phe đảo chính yêu cầu Diệm đầu hàng vô điều kiện và nên đi với gia đình sang ngoại quốc. Diệm nói: “Tôi còn bà mẹ già, đi sao được?”, phe đảo chánh trả lời: “Lâu nay ông Cẩn vẫn nuôi bà già ông kia mà!”.

- Diệm cúp máy điện thoại. Chừng 45 phút sau, Diệm gọi điện cho Trần Thiện Khiêm, báo nơi ở và xin đem xe vô Chợ Lớn đón. Tướng Dương Văn Minh chỉ định tướng Mai Hữu Xuân, đại tá Ðặng Văn Quang, đại tá Dương Ngọc Lắm, thiếu tướng Dương Hiếu Nghĩa đi bắt Diệm - Nhu. Tôn Thất Ðính phái Ðại úy thiết giáp Phan Hiệp Hòa cùng đi và dặn tiếng Pháp: “Ramenez les moi vivantsici!” (Anh hãy đem hai ông ấy còn sống về đây cho tôi).

- Nhưng sau đó chiếc xe thiết giáp chở về Bộ Tổng tham mưu hai xác chết loang máu. Trần Văn Ðôn chạy vội lên lầu gặp tướng Minh hỏi cơ sự. Thấy đại úy Nhung từ văn phòng tướng Minh đi ra, hai mắt đỏ ngầu. Lê Văn Kim, Phan Xuân Chiểu, Trần Tử Oai thất sắc. Tùy viên Ðỗ Thọ và cận vệ An mặt tái hẳn, mất thần. Ðại tá Quang (có trong đoàn đón ông Diệm) đang nằm dài, vẻ mệt lả, y tá đến chích thuốc. Ðội trưởng Ðội Tổng hành dinh là Thiếu tá Mỹ nhận lệnh đi mua hai cỗ quan tài để liệm xác Diệm - Nhu.

- Chiều 2-11, Trần Văn Ðôn giao xác Diệm - Nhu cho bà Trần Trung Dung tại bệnh viện Saint Paul. Hai cỗ quan tài Bộ Tổng tham mưu mua mỗi cái giá 80.000 đồng lúc đó, mà bà Dung còn mua mỗi cái 300.000 đồng về liệm trước mắt ông bà Trần Trung Dung (bà Dung gọi Diệm là cậu ruột). Dân chúng và thanh niên, sinh viên đòi lấy xác Diệm - Nhu phân thây! Bộ Tổng tham mưu phải giấu vào kho kín đáo hai cái xác mới quàn, sợ quần chúng phân thây!

Chú Tư Khánh và chú Tám Quít nhớ thời điểm đó, ta có cái radio là quý lắm. Nghe tin tức các đài phải là cán bộ trung cao cấp, còn cán bộ cơ sở, sơ cấp thì không được nghe đài địch. Báo cũng vậy. Báo thành phải có đối tượng đọc, không cho cán bộ cơ sở và sơ cấp đọc. Hai chú là cán bộ trung cấp nên theo dõi suốt cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu của tập đoàn tướng lĩnh Dương Văn Minh và Trần Văn Ðôn… Chú Tám Quít nói tiếp:

- Diệm chết rồi, chôn cũng có yên đâu. Phải để tráo bia mộ và để tên giả “Gia cô Be Ðệ” là Diệm, còn “Gioan Bao Tixita Huynh” là Nhu, chôn tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, xây thấp, phủ lên một tấm xi măng đúc, không có bia, quanh mộ có vòng xích rào lại…

- Những nhân vật phản diện của lịch sử này đều nằm trong tâm trí của chúng dân và những chiến sĩ Cách mạng rất sâu. Tập đoàn Diệm - Nhu gia đình trị xuất hiện với biệt khu An Phước, biệt khu Hải Yến làm hàng vạn sinh linh đau khổ, căm thù chất ngất. Kẻ đó đã chết như thế… Cần làm mọi người biết rõ. Và không lâu, quan thầy Kennedy của Diệm bị ám sát chết theo.

- Năm điều của Lê Quý Ðôn tiên tri là rất đúng. Cái ác không tồn tại lâu. “Ác báo ác lai” là quy luật của muôn đời.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết