04/04/2022 - 10:17

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi
CHỊ SÁU DÂN HY SINH - ĐÓI

(Tiếp theo)

1.Tại khu căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá ở Tây Yên phía bờ trái Xẻo Cạn, chú Tám Trần Quang Quít và chú Tư Nguyễn Hùng Khánh đang uống trà, trò chuyện. Chú Tám Quít:

- Kỷ niệm sâu lắng về những năm trước và sau cuộc đồng khởi ở Ðiện Mặt Trăng tại Hòn Ðất, nơi cơ quan Thị xã ủy trú đóng chỉ đạo đấu tranh với quân thù biết bao gian nan vất vả. Trước khi Ngô Ðình Diệm và em hắn - Nhu bị giết, tôi nhớ danh ngôn của học giả Lê Quý Ðôn(*) nói từ hơn 220 năm trước, tiên tri sự sụp đổ của một chế độ độc tài: “Trò không trọng thầy. Trẻ không trọng già. Binh kiêu, tướng thoái. Tham nhũng tràn lan. Sĩ phu ngoảnh mặt”.

- Anh Tám, hồi đó trong Ðiện Mặt Trăng, hai anh em mình có tiên đoán chế độ Ngô Ðình Diệm phải sụp đổ, dẫn lời tiên tri của Lê Quý Ðôn với bản chất chế độ Sài Gòn thời Diệm - Nhu. Sau khi đánh đuổi lực lượng Bình Xuyên khỏi Sài Gòn, tháng 5-1955, Tổng thống Diệm - một tín đồ Công giáo mộ đạo, quyết bài trừ tệ nạn ma túy thuốc phiện với một chiến dịch đốt bàn đèn rất hấp dẫn. Thế rồi vài năm sau, Nhu - cố vấn của Diệm, bảo thiếu tiền chi phí cho hoạt động tình báo, nên phải buôn lậu thuốc phiện. Ông Nhu bắt liên lạc với các Ban Trưởng Hoa Kiều ở Chợ Lớn, cho họ mở lại các tiệm hút và lấy á phiện của Nhu. Ngô Ðình Nhu phủ kín mạng lưới buôn á phiện lậu gồm 2.000 tiệm buôn các loại hàng “đi mây về gió” trong 43 tỉnh, thị ở miền Nam. Alfred W.Mc Cof viết: Nhu lập đường dây buôn thuốc phiện từ Lào về và chở thuốc phiện bằng máy bay. Hãng hàng không dân dụng Lào, điều khiển bởi tên giang hồ Francisci từng là bạn của Bảy Viễn. Trung tá tình báo Mỹ CIA Luccien Conein cho biết, đường dây buôn bán á phiện của Nhu an toàn, hằng ngày, phi đội của Francisci chở thuốc phiện bằng phi cơ 2 máy Becherafts đến Sài Gòn cho Nhu đều đặn. Nhu nhờ buôn lậu á phiện vậy, từ nghèo nàn, vợ phải đi xe đạp ở Ðà Lạt, Nhu không có văn phòng riêng, đã trở thành đại tỉ phú. Nhu xây ở Ðà Lạt 3 ngôi nhà có hồ tắm, sân tennis, nhưng do Lệ Xuân đổi ý mãi, xây sửa tới lui mãi đến năm đảo chính 1963 vẫn chưa xong.

- Báo Phụ nữ diễn đàn nói, phần cái hồ sen trong khu nhà, bà Nhu hai lần rước kỹ sư Nhật Bản đến xây cho có vẻ đặc biệt, thành kỳ quan.

- Vợ chồng Nhu có rừng cây gỗ giá tỵ, làm báng súng tốt, cả 200 mẫu ở Ðịnh Quán, chế báng súng xuất khẩu. Nhu có phần hùn trong các hãng nước suối Vĩnh Hảo, lông vịt Chợ Lớn, phân chim đảo Hoàng Sa, thảm Quả Bàng, than đước Cà Mau, than Nông Sơn, muối Cà Ná, cát trắng Cam Ranh, thuốc tây OPV. Nhu có 2 biệt thự lớn ở đường Pasteur - Hiền Vương cũ và đường Phùng Khắc Khoan (Sài Gòn).

- Nhu có nhà ở quận 16 thủ đô Paris, rạp chiếu bóng Eden ở đại lộ Champs Elysées. Có biệt thự ở ngoại ô Rome (Ý) báo Frances Fitzgerald viết: Bà Nhu biết lo xa khi tích lũy tài sản và mau chóng làm cho chúng có giá trị trên thị trường châu Âu. Trong số nhiều bất động sản đó, bà Nhu đã làm chủ một nhà hát lớn ở đại lộ Champs Elysées.

- Theo William J.Leedere, một số tư nhân người Việt đã gửi vào ngân hàng ngoại quốc từ năm 1956 khoảng 18 tỉ Mỹ kim. Theo Ðỗ Mậu, anh em Diệm là chủ tài sản kết sù đó. Còn Ngô Ðình Thục, theo báo châu Âu phát giác, bị lừa mất 98 ngàn đô la, số tiền mặt trên không gởi tại ngân hàng.

- Ngô Ðình Cẩn “lãnh chúa miền Trung” thì độc quyền buôn thuốc phiện lậu từ đường 9 Nam Lào. Cẩn chuyển 7 triệu đô la ra ngoại quốc vào năm 1961, chuyển vào nhà thờ Công giáo dòng Chúa cứu thế 14 thùng vàng loại thùng đạn quân đội. Ðến lúc đảo chính Diệm năm 1963, hột xoàn, kim cương của Cẩn đổ đầy một mũ sắt nhà binh trong cuộc bao vây dinh phủ Cam, do tướng Ðỗ Cao Trí chỉ huy. Cẩn là lãnh chúa của đất Trung Việt dám cự tá lả với cố vấn Ngô Ðình Nhu, anh ruột của ông ta!

- Những năm Cách mạng miền Nam còn trong gian lao thử thách như vậy, nếu chúng ta không có một suy luận đúng đắn, một tiên đoán chính xác, không “bắt mạch” được thời đại thì không sao đứng vững được. Luật 10/59 của Diệm tàn ác tối dã man. Khu An Phước của Lâm Quang Phòng với rừng tràm Bang Biện Phú, khu Bình Hưng - Hải Yến với Nguyễn Lạc Hóa… khét tiếng ăn thịt người. Thế mà chúng ta vẫn tiên đoán chúng sụp đổ trước khi ta toàn thắng. Do nhãn quan chính trị và lối suy luận khoa học, anh em ta phán đoán chính thể Ngô Ðình Diệm phải sụp đổ.

- Theo tin các báo nước ngoài, nội bộ tướng lĩnh thời Diệm, dưới trướng Diệm, đã năm ba lần mưu sát Diệm - Nhu. Nhưng cuối cùng, ngày 1-11-1963 mới xảy ra thật sự.

- Cuộc đảo chính nầy làm họ, những chiến sĩ Cách mạng ở tận rừng sâu và thành phố đều vui mừng tin chắc vào ngày ta thắng Mỹ xâm lược. Ta gọi Mỹ “thay ngựa giữa dòng”. Diệm “lậm” việc đàn áp Phật giáo và buôn lậu á phiện, Mỹ cân nhắc là thay Diệm, nhưng chưa giết Diệm và em ông ta. Sự thật diễn ra khác hẳn, Diệm bị giết.

- Theo Trần Văn Ðôn, cuộc đảo chính này (1-11-1963) do Ðôn, Dương Văn Minh và Lê Văn Kim âm thầm khởi xướng. Thiếu tướng Tôn Thất Ðính là sĩ quan cao cấp được ông Trần Văn Ðôn mời đầu tiên, tham gia đảo chính Diệm.

- Anh em Diệm sai lầm về đánh giá ai bảo vệ mình. Nhu tin cẩn giao cho Tôn Thất Ðính nắm tất cả lực lượng nội ngoại thành Sài Gòn, giữ chức Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Vùng III chiến thuật. Nếu khi đảo chính nổ ra, ông Nhu cho rằng sẽ rơi vào cái bẫy sập của Ðính mà thôi! Kế hoạch phản đảo chính Nhu giao cho Ðính thực hiện, nào ngờ Ðính có chân trong Hội đồng quân nhân đảo chính, nên vô hiệu kế hoạch của Nhu. Lại nữa, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Quang Trung là thiếu tướng Mai Hữu Xuân, nắm 16.000 quân và nhiều tướng tá khác như Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Nghiêm, Phạm Xuân Chiểu, Trần Tử Oai, Nguyễn Giác Ngộ, Ðỗ Mậu, Nguyễn Văn Chuân, Nguyễn Khương, Ðặng Văn Quang, Nguyễn Ðức Thắng, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Ngọc Huyến, Nguyễn Vĩnh Xuân… lần lượt ra mặt chống Diệm.

- Như vậy Diệm - Nhu còn chờ ai? Tôn Thất Ðính thì “được mời” tham gia đảo chính đầu tiên - con người mà Nhu đặt hết niềm tin cậy. Còn Nguyễn Khánh - Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng II chiến thuật. Nhưng Nguyễn Khánh cam kết với Trần Văn Ðôn, giúp gánh đảo chính là chặn đường tiến quân về Sài Gòn, cắt hệ thống truyền tin, tuyên bố thiết quân luật. Và nếu gánh đảo chính của Ðôn - Minh - Kim thất bại, Nguyễn Khánh sẽ giúp họ chạy lên cao nguyên tá túc. Hơn nữa, Diệm cũng không mong gì Khánh. Nhu từng than với Ðôn về Khánh: “Khánh bậy quá, thảo luận với người Mỹ để đảo chính Diệm”.

- Cuộc đảo chính có quy định là không cho người Mỹ biết. Nhưng vào “giai đoạn chót”, Trung tá tình báo CIA Louis Conein (sự thật Mỹ nhúng tay từ đầu) đại diện cho đại sứ Cabot Lodge, may một bao đựng tiền gồm 3 triệu đồng Sài Gòn, một máy truyền tin đặc biệt, một khẩu súng và một trái lựu đạn. Sau đó, chính ông ta liên lạc trực tiếp với tổng thống Kennedy, xin nơi tị nạn cho ông Diệm. Nhưng việc quá trễ, vào giờ thứ 25 mà không có máy bay, nên Diệm - Nhu phải chết!

(Còn tiếp)

----------------------------

(*) Lê Quý Đôn (1726-1784) nhà bác học thời Lê Mạt, trứ thuật nhiều tác phẩm về lịch sử, địa dư và văn hóa lớn nước ta.

 

 

Chia sẻ bài viết