Sau khi rút khỏi đường đua phim Tết, “Sáng đèn” trở lại rạp vào ngày 22-3, mang đến cho người xem một câu chuyện đẹp và nhiều cảm xúc về gánh hát cải lương và đời nghệ sĩ. Sự dung dị, duyên dáng và nhân văn của phim đã để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các rạp CGV và Lotte Cinema.
Lấy bối cảnh năm 1994, khi cải lương bắt đầu thoái trào, phim đưa khán giả theo chân gánh hát Viễn Phương đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây. Dù cực khổ, họ vẫn hết lòng với nghiệp diễn, đoàn kết cùng nhau vượt khó, chỉ mong sân khấu luôn sáng đèn. Thế nhưng, khi những biến cố liên tục ập đến, đe dọa đến sự tồn vong của gánh hát và tính mạng của người mình yêu, lần lượt ông bầu và những đào, kép chính của đoàn buộc phải đưa ra những lựa chọn đau lòng…
Kể về giai đoạn cải lương đã qua thời hoàng kim, nhưng phim không sa vào bi lụy mà đề cao tinh thần cống hiến, đam mê của những nghệ sĩ yêu nghề. Từ một đoàn cải lương tên tuổi, diễn ở sân khấu lớn, nay phải lưu diễn ở các bãi sông, đình miếu, nhưng ông bầu (NSƯT Hữu Châu) cùng các thành viên trong đoàn vẫn bám nghiệp, giữ nghề. Thậm chí để phù hợp thị hiếu, họ chấp nhận trở thành một gánh tạp kỹ, diễn tuồng xen kẽ các tiết mục xiếc, tấu hài. Dù có những đêm chỉ có hơn chục khán giả, họ vẫn sáng đèn để phục vụ. Dù sau đêm diễn, người phải đi bốc vác thuê, người đi đánh bóng bàn ghế để kiếm thêm thu nhập, nhưng họ vẫn yêu đời, lạc quan. Gánh hát còn đối diện nguy cơ tan rã nếu không chịu “chung chi”cho các băng nhóm bảo kê…
Phim tái hiện khá chi tiết hoạt động và đời sống của một gánh hát cách đây 3 thập kỷ, với vai trò, công việc của từng thành viên trong đoàn, từ ông bầu, đào, kép chánh, diễn hề, dàn nhạc, đến người lo cơm nước, người chuẩn bị phục trang, đạo cụ và truyền nghề cho diễn viên trẻ… Trên nền câu chuyện về cải lương, mối tình của các nhân vật tôn thêm màu sắc lãng mạn, kịch tính cho phim. Chuyện tình của cô đào chánh Thanh Kim Yến (Lê Phương) và kép chánh Vũ Lâm (Cao Minh Đạt) cùng đôi đào kép trẻ Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) - Trúc Linh (Trúc Mây) gặp nhiều trắc trở, éo le. Khi đoàn hát và tính mạng người mình yêu gặp nguy, các nhân vật đã chọn hy sinh bản thân để cứu đoàn, cứu người. Để rồi, có những lời yêu chưa kịp nói thành câu, có những trái tim tan vỡ khi đánh mất cái nghiệp mà mình coi như cuộc sống... Tình người nghệ sĩ còn được khắc họa đậm nét khi các thành viên dù không có máu mủ, ruột rà, họ vẫn yêu thương xem nhau như một gia đình, giúp nhau cùng tiến bộ. Kẻ lạc mất vợ con, người bỏ nhà theo đoàn hát, người lại chẳng còn ai thân thích... nhưng gác lại những nỗi niềm riêng, họ vẫn nhiệt huyết mang lời ca tiếng hát cho đời. Đặc biệt, khi gánh hát tan rã, mỗi người phải mưu sinh bằng công việc khác nhau nhưng khi có dịp, họ vẫn tụ họp, vẫn yêu thương nhau như ngày còn chung đoàn. Đây là điều khiến người xem ấm lòng, rưng rưng cùng nhân vật trong những phân cảnh xúc động.
Yếu tố hài hước được cài cắm nhẹ nhàng và duyên dáng qua những tình huống thường nhật, mối quan hệ giữa các thành viên trong đoàn, mang lại tiếng cười dễ thương. Nhiều phân cảnh diễn cải lương được thực hiện khá công phu, bài bản qua các trích đoạn quen thuộc: “Tiếng trống Mê Linh”, “Quân Vương và Thiếp”, “Đức Vương Ngô Quyền”… Hình ảnh đi xe máy dùng loa “quảng bá” cho bà con, hậu kỳ hiệu ứng lửa cháy, phi thân theo kiểu thủ công cũng được thể hiện rất thú vị… Dàn diễn viên trong phim ngoài những cái tên gạo cội trong lĩnh vực cải lương và sân khấu như NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Chí Tâm, Bạch Long, Kim Tử Long, Cao Minh Đạt, Lê Phương, Kim Huyền... thì các diễn viên trẻ như Bạch Công Khanh, Trúc Mây... cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem với diễn xuất tốt và ngoại hình sáng.
Dù kịch bản phim vẫn còn đôi chỗ lan man, dài dòng; biến cố khiến đoàn Viễn Phương tan rã mang đậm tính sắp đặt, nhưng “Sáng đèn” vẫn là một bộ phim hay và ý nghĩa của điện ảnh Việt.
CÁT ĐẰNG