29/08/2020 - 10:45

Ðồng hành cùng hội viên 

Chi hội Phụ nữ (CHPN) khu vực Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn, được đánh giá hoạt động hiệu quả và là một trong các CHPN không còn hội viên nghèo. Dì Lê Thị Sáu, Chi hội trưởng CHPN khu vực Thới Ngươn B, cho rằng, đó là kết quả từ sự quan tâm của Hội LHPN phường cũng như nỗ lực của hội viên trong phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. 

Nhờ được hỗ trợ vốn và chí thú làm ăn, chị Phạm Thị Mỹ Phụng từng bước ổn định kinh tế
gia đình, thoát nghèo bền vững.

Theo dì Sáu, tháng 8 này, Chi hội tập trung tuyên truyền, nhắc nhở hội viên chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Các hội viên mua bán, kinh doanh quan tâm chuyển đổi hình thức mua bán phù hợp, vừa đảm bảo thu nhập, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hầu hết hội viên đều nắm bắt kịp thời thông tin qua các phương tiện truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Dì Sáu còn lồng ghép tuyên truyền về 5 không 3 sạch; ăn chín uống sôi; giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng bệnh cho người cao tuổi, trẻ em.

Chị Phạm Thị Mỹ Phụng là một trong những hội viên của CHPN khu vực Thới Ngươn B, vận dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi kinh doanh quán cà phê, giải khát, bán tạp hóa và "nở nồi" với dãy phòng trọ phục vụ công nhân khu công nghiệp Trà Nóc. Qua đó, kinh tế gia đình chị từng bước ổn định, thoát nghèo bền vững. Chị Phụng cho biết, quán thường đông khách lúc sáng sớm và chiều tối. Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng việc làm, thu nhập công nhân, quán kinh doanh chậm hơn trước nhưng chị Phụng cố gắng giữ giá các dịch vụ để cùng công nhân vượt khó.

Trước đây, gia cảnh của chị Phụng rất khó khăn. Chồng làm phụ hồ, còn chị lo nuôi con nhỏ. Chị Phụng được vận động tham gia sinh hoạt CHPN khu vực, được giới thiệu vay 3 triệu đồng vốn ưu đãi và hướng dẫn nuôi cặp bò. Hằng ngày, chị Phụng tranh thủ đi cắt cỏ cho bò ăn. Thời gian sau, chị Phụng bán cặp bò được số vốn kha khá nên đầu tư vào sản xuất, mua bán. Cùng với 25 triệu đồng vốn vay ưu đãi, vốn vợ chồng chí thú làm ăn, tích lũy, chị Phụng tận dụng đất quanh nhà, xây dãy nhà trọ bình dân; trồng nhãn xen canh rau lang... Chị chia sẻ: "Vợ chồng tôi mỗi người mỗi việc, chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, tích lũy dần. Cuộc sống từng bước ổn định, vợ chồng tôi tiếp tục dành dụm để chăm lo các con học hành".    

Ở gần nhà chị Phụng, chị Nguyễn Ngọc Ðiệp cũng nhờ CHPN giới thiệu vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để kinh doanh quán cà phê, sửa sang dãy phòng trọ phục vụ công nhân. Chị Ðiệp vui vẻ cho biết: "Mỗi ngày, tôi bán cà phê kiếm lời trên 100.000 đồng. Chồng tôi làm bảo vệ công ty thủy sản, còn con trai là quân nhân vừa xuất ngũ, được giới thiệu học nghề và làm kỹ thuật viên công ty may xuất khẩu, thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng". Cũng với 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Thùy Trang đã tu bổ, nâng cấp tiệm uốn tóc, trang điểm…, giúp việc kinh doanh ngày thêm phát triển.

Dì Sáu xác định hỗ trợ vốn, tạo việc làm là điều kiện tiên quyết giúp hội viên Chi hội phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ðối với các chị chí thú làm ăn, có nhu cầu vay vốn, Chi hội phối hợp kịp thời thẩm định để giải quyết; đồng thời gợi ý cách làm ăn phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, Chi hội quan tâm giới thiệu con em hội viên vào làm việc tại các doanh nghiệp may mặc, chế biến thủy sản, với mức lương 4-7 triệu đồng/tháng.      

CHPN khu vực Thới Ngươn B hiện có 1 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 49 thành viên, vay trên 1,66 tỉ đồng vốn ưu đãi, gởi tiết kiệm trên 170 triệu đồng. Hầu hết hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, ý thức gởi tiết kiệm để trả dần gốc. Với đặc thù địa bàn dân cư gần khu công nghiệp Trà Nóc, Chi hội khuyến khích chị em tập trung phát triển mô hình mua bán nhỏ, kinh doanh tiệm tạp hóa, thực phẩm, phòng trọ…; một số chị em mạnh dạn cải tạo vườn, trồng cây ăn trái: nhãn Ido, bưởi da xanh, dừa... Nhiều năm qua, CHPN khu vực duy trì tốt mô hình tổ hùn vốn (28 thành viên), góp 50.000 đồng/người/tháng; tổ tương trợ, có 34 thành viên, góp 10.000 đồng/người/tháng. Qua đó, chị em kịp thời giải quyết khó khăn đột xuất, mua sắm vật dụng gia đình. Năm 2016, Chi hội có 27 hội viên nghèo, đến đầu năm 2020, không còn hội viên nghèo, chỉ còn 3 hội viên cận nghèo; nhiều chị em từng bước vươn lên khấm khá.     

Chị Lê Diễm Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Thới, nhận xét, CHPN khu vực Thới Ngươn B hoạt động vững mạnh nhiều năm liền, có nhiều mô hình sản xuất, mua bán nhỏ thiết thực, hiệu quả, giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Cán bộ Hội tích cực, nhiều kinh nghiệm trong định hướng, hỗ trợ hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Hội viên chí thú làm ăn, nỗ lực vượt khó, vận dụng tốt vốn vay ưu đãi, linh hoạt lồng ghép sản xuất với kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững, giữ vững "thương hiệu" CHPN không còn hội viên nghèo. Hằng năm, CHPN khu vực Thới Ngươn B hưởng ứng tốt các hoạt động, phong trào tại địa phương và Hội Phụ nữ phát động, được xếp loại vững mạnh toàn diện.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết