22/03/2021 - 11:19

Ðối thủ của đối thủ là bạn! 

Những ngày gần đây, thế giới chứng kiến một loạt diễn biến mới trong các cặp quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - Nga. Ðiều dễ nhận thấy là bang giao giữa các nước lớn dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như không hề dễ dàng hơn, nếu không muốn nói là ngược lại.

Từ trái sang: Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ðầu tiên là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ và Úc) hôm 12-3 với kết quả là một Tuyên bố chung, trong đó chủ yếu nhắm vào việc kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng quyết đoán. Chẳng hạn về tầm nhìn chung cho Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, Tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi cố gắng vì một khu vực tự do, cởi mở và hội nhập, lành mạnh được duy trì bởi các giá trị dân chủ, chứ không phải dựa trên sự cưỡng ép”. Tuy không nêu đích danh nhưng có lẽ ai cũng hiểu, bởi “cưỡng ép” là cụm từ cộng đồng quốc tế thường dùng để chỉ trích hành động bắt nạt láng giềng, nhất là trong tranh chấp Biển Ðông, của Trung Quốc.

Bàn biện pháp đối phó Bắc Kinh cũng là một trong những trọng tâm trong chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc ngày 16 và 17-3 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Nhật, Hàn là 2 đồng minh chủ chốt của Washington tại châu Á, nơi gần 80.000 binh sĩ Mỹ đang được triển khai “sát nách” Trung Quốc. Hàn Quốc còn được xem là “ứng viên số 1” một khi nhóm Bộ tứ mở rộng.

Ðến ngày 18 và 19-3, ông Blinken cùng Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan có cuộc đối thoại được mô tả là “nảy lửa” tại bang Alaska với 2 nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc: Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Ðược biết, các chuẩn mực ngoại giao đã không có chỗ trong cuộc tranh luận giữa 2 bên về vấn đề Hong Kong, Ðài Loan, Tân Cương.

Và giữa lúc ông Blinken “khẩu chiến” với đại diện ngoại giao Trung Quốc thì chủ nhân Lầu Năm Góc Austin lại công du Ấn Ðộ - láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ, thậm chí là xung đột, với Trung Quốc.

Theo kế hoạch, tuần này Ngoại trưởng Blinken sẽ đến Bỉ dự hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), nơi ông sẽ tiếp tục nêu quan ngại về những hành động gần đây của Trung Quốc và Nga. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, một số quốc gia NATO như Anh, Pháp, Ðức đã đưa tàu chiến đến tuần tra Biển Ðông, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Bắc Kinh hội đàm vào hôm nay 22-3. Cuộc gặp này diễn ra 3 ngày sau buổi đối thoại căng thẳng giữa 2 ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị với giới chức ngoại giao - an ninh quốc gia Mỹ, và 2 ngày sau khi đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov về nước để phản đối phát biểu của Tổng thống Joe Biden nhằm vào lãnh đạo Nga. Trước đó, hôm 16-3, ông Biden khi trả lời phỏng vấn cho rằng Tổng thống Vladimir Putin là “kẻ sát nhân” (liên quan nghi án nhân vật đối lập Alexei Navalny bị đầu độc), đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Nga “sẽ phải trả giá” vì can thiệp cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 như cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ.

Washington tuần rồi cũng gần như đồng thời áp đặt thêm trừng phạt lên Mát-xcơ-va (vụ Navalny) và Bắc Kinh (vụ thay đổi luật bầu cử Hong Kong).

Rõ ràng, “ngoại giao con thoi” diễn ra thời gian gần đây cho thấy phương châm “đối thủ của đối thủ là bạn” đang được các cường quốc áp dụng triệt để trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết