23/09/2022 - 09:11

Ðộc đáo mô hình trồng dưa lưới bằng chuối chín, sữa tươi 

Bài, ảnh: AN NAM

Là giáo viên của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Hòn Đất 2, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), cô Nguyễn Thùy Trang, ngụ khu phố Sư Nam, thị trấn Hòn Đất đã biến khu vườn tạp thành nơi trồng dưa lưới công nghệ cao. Đặc biệt, cô trồng dưa lưới bằng giá thể xơ dừa, dung dịch bón cho cây là chuối chín ủ với sữa tươi, hoàn toàn không dùng hóa chất.

Vốn là con nông dân, cô Trang có niềm đam mê đặc biệt với các mô hình trồng trọt, nhất là mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ tự động giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Ý tưởng ban đầu của cô Trang là trồng rau sạch phục vụ gia đình. Ðể có thêm kỹ thuật trồng trọt, cô đã tham quan nhiều trang trại trồng rau quả và tham gia group Facebook “Hội trồng rau sạch tại nhà”.

Nhân công thu hoạch dưa lưới cho gia đình cô Nguyễn Thùy Trang.

Sau chuyến thăm con tại TP Hồ Chí Minh, năm 2021, cô Trang quyết định không trồng rau và thử sức với dưa lưới trong khi trong huyện chưa nhiều người trồng thành công do dưa lưới không phù hợp với vùng đất nhiễm phèn, mặn. Do khá bận rộn với công tác giảng dạy tại trường, cô Trang không thể trồng trên đất thịt vì phải tốn nhiều công đoạn xử lý. Sau khi mày mò đọc tài liệu trên mạng internet, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cô Trang chọn cách trồng dưa trên giá thể xơ dừa, đầu tư hệ thống tưới tự động điều khiển bằng smartphone nhằm tiết kiệm nước và thời gian.

Thời gian đầu làm quen với giống cây trồng mới, cô Trang khá “trầy trật” vì chưa nắm vững kỹ thuật, chồng cô lại can ngăn vì sợ đầu tư vốn lớn gặp thất bại. Sau khi thuyết phục được chồng ủng hộ, vụ đầu tiên, dưa lưới cho trái ít, hình dáng xấu xí do thụ phấn bằng phương pháp thủ công. Không nản chí, đến vụ thứ hai, cô Trang chọn cách dẫn dụ ong về thụ phấn tự nhiên cho hoa. Phương pháp này giúp cô giảm bớt thời gian và công sức, tỷ lệ đậu trái cao hơn, năng suất trái được đảm bảo, không mất nhiều thời gian như trước mà tiết kiệm chi phí. Ðặc biệt, việc canh tác dưa lưới thực hiện dễ dàng nhờ sử dụng hệ thống điều khiển tự động công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Hệ thống tưới được quản lý bằng điện thoại thông minh nên không mất nhiều thời gian chăm sóc.

Cô Trang cho biết: “So với các loại cây trồng khác, dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðặc biệt, loại nông sản này hiện nay được Hợp tác xã trồng rau an toàn Phước An tại huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước cung ứng hạt giống nhập khẩu và bao tiêu nên không phải lo lắng về đầu ra. Tôi đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới kết hợp tham quan du lịch cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và Tâm lý giáo dục tại Phú Quốc”. Ðược biết, giống dưa lưới cô Trang trồng có nhiều ưu điểm như dễ trồng, kháng bệnh cao. Dưa có hình dáng cân đối, lưới nổi dày, vỏ cứng nên sau khi thu hoạch có thể bảo quản trong thời gian dài. Giống dưa này có trọng lượng trung bình 1,4-1,6kg/trái, năng suất từ 3-3,5 tấn/1.000m2. Sau 65-70 ngày xuống giống sẽ cho thu hoạch. Với giá bán sỉ 35.000 đồng/kg, bán lẻ 60.000 đồng/kg, mỗi vụ dưa lưới, cô Trang thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng từ 2.000m2. Mỗi năm, cô canh tác từ 3-4 vụ.

Ít ai ngờ, một cô giáo tưởng chừng chỉ quen với phấn trắng, bảng đen như cô Trang lại có thể nắm vững quy trình sản xuất dưa lưới hữu cơ chẳng kém gì một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Tự tay bổ trái dưa lưới vừa cắt tại vườn, cô Trang tiết lộ: “Tôi tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, trồng chuối sau nhà để tự ủ phân hữu cơ cung cấp cho giàn dưa lưới. Từ khi hoa thụ phấn đến lúc thu hoạch, tôi tưới thêm phân được ủ từ chuối, sữa tươi không đường và men Nhật. Sau một tháng, dung dịch chuối, sữa có thể bón trực tiếp cho cây bằng cách pha loãng với nước theo tỷ lệ định sẵn rồi phun vào gốc, qua lá. Phân được tưới sau thời điểm hoa thụ phấn và bón định kỳ hằng tuần giúp tạo hương vị thơm, ngọt tự nhiên cho dưa”. Nhờ chế độ dinh dưỡng, đúng quy trình kỹ thuật nên dưa lưới trong vườn nhà cô Trang có vị ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng, khi bổ ra, mật từ trái dưa tươm ra tạo sự hấp dẫn, kích thích vị giác người dùng đến.

Theo cô Trang, dưa lưới được trồng trong nhà màng giúp việc quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Nhà màng giúp che mưa cho dưa không bị ngập úng và ngăn côn trùng xâm nhập, từ đó giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Chia sẻ bài viết