09/12/2017 - 10:35

“Ngày phẫn nộ” của người Palestine 

Hôm qua 8-12, Israel đã triển khai thêm hàng trăm cảnh sát bên trong thành cổ Jerusalem và khu vực lân cận sau khi Palestine kêu gọi người dân xuống đường biểu tình sau lễ cầu nguyện buổi trưa của “ngày phẫn nộ” để phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Người Palestine tại Dải Gaza biểu tình phản đối Tổng thống Trump. Ảnh: WP

Trước đó, hôm 7-12, ít nhất 31 người biểu tình Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. Khi đó, hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố Hebron và Al-Bireh thuộc khu Bờ Tây đã xuống đường với khẩu hiệu “Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine”, trong đó một số người ném gạch đá về phía binh sĩ Israel. Trong cuộc đụng độ này, 4 người đã bị trúng đạn thật và 20 trường hợp “dính” đạn cao su. Còn ở Dải Gaza, hàng chục người biểu tình tập trung gần hàng rào biên giới với Israel đã ném đá về phía các binh sĩ ở bên kia. Lính Israel đã đáp trả bằng những phát đạn thật, khiến 7 người bị thương.

Phản ứng trước ít nhất 3 quả tên lửa rơi vào lãnh thổ Israel, xe tăng và chiến đấu cơ của nước này đã tấn công 2 căn cứ quân sự của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas mà họ cho là “thủ phạm” ở Dải Gaza. Trước đó, Hamas đã thúc giục người dân tiến hành cuộc nổi dậy lần thứ ba nhắm vào Israel cũng như tuyên bố 8-12 là “ngày phẫn nộ”.

Theo Washington Post, quân đội Israel đã sẵn sàng đối phó với tình trạng bạo lực leo thang trong những ngày tới và củng cố các đơn vị phòng thủ và tình báo tác chiến nhằm tăng cường lực lượng tại khu Bờ Tây. Cũng như nhiều cửa hiệu ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây, các trường học đã đóng cửa để hưởng ứng lời kêu gọi tổng đình công của giới chức Palestine nhằm phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Theo hãng tin AFP, bước đi gây tranh cãi của chủ nhân Nhà Trắng có thể tạo ra sự thay đổi nhỏ nhưng chứa đựng nguy cơ lớn là khơi dậy một vòng xoáy bạo lực trong cuộc xung đột vốn đã kéo dài nhiều thập niên giữa Israel và Palestine. Dù đưa ra thông báo về Jerusalem cùng với cam kết theo đuổi hòa bình, nhưng động thái của ông Trump cũng đã kéo theo sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các đồng minh lâu nay của Mỹ. Các nước đồng minh này nhấn mạnh sự thống nhất trong cộng đồng quốc tế là tình trạng của thành phố Jerusalem phải được đàm phán bởi người Israel và Palestine.

Ở Indonesia (quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới) và Malaysia hôm 8-12, hàng ngàn người cũng đã tuần hành để phản đối quyết định của Tổng thống Trump, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở hai quốc gia Đông Nam Á này. Đảng Jamaat-e-Islami ở Pakistan cũng thông báo hưởng ứng  “ngày phẫn nộ” của người Palestine.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết