Một thập niên sau “Mùa xuân Arab”, làn sóng bất bình tiếp tục bùng lên trong khu vực khi người dân xuống đường phản đối kinh tế trì trệ, tình trạng thất nghiệp, dịch vụ công yếu kém, bất bình đẳng gia tăng trong khi nhu yếu phẩm ngày càng thiếu hụt.
Hình ảnh người thanh niên Mohammed Bouazizi trước một văn phòng ở thị trấn quê hương. Ảnh: AFP
Ngày 17-12-2010, một người bán hàng rong ở Tunisia tên là Mohammed Bouazizi bị cảnh sát tịch thu chiếc xe hàng là nguồn sống của gia đình. Sau khi trình bày khiếu nại với chính quyền mà không được, người thanh niên trong cơn tuyệt vọng đã quyết định tự thiêu. Thông tin này nhanh chóng lan rộng và châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp quốc gia Bắc Phi, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, người có “thâm niên” cầm quyền suốt 24 năm.
Diễn biến ở Tunisia đã trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào “Mùa xuân Arab” lan khắp Trung Đông. Tại Ai Cập, đám đông đã buộc Tổng thống Hosni Mubarak từ bỏ quyền lực sau 30 năm. Hàng loạt phong trào nổi dậy cũng làm rung chuyển Libya, Syria, Bahrain và Yemen. Theo giới phân tích, các cuộc nổi dậy không chỉ đơn thuần chống lại giới cầm quyền độc tài lâu năm mà còn phản ánh nhu cầu của công chúng muốn chính phủ cải cách, quan tâm đến quyền lợi và nguyện vọng của người dân.
Được đánh giá là quốc gia thành công nhất trong “Mùa xuân Arab”, người dân Tunisia giờ đây có thể tự do bầu lãnh đạo cũng như công khai góp ý trước những sai lầm, yếu kém của nhà nước. Song con đường dân chủ ở quốc gia Bắc Phi vẫn lắm gập ghềnh khi các đảng phái chính trị trong nước tham gia quá trình bầu cử dân chủ để lập nên hiến pháp, chính quyền mới nhưng sau đó lại lao vào đấu đá chính trị và tranh giành quyền lực.
Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát trở lại trên khắp các thị trấn miền Nam Tunisia. Nhiều người cáo buộc chính phủ phớt lờ mục tiêu phát triển kinh tế và không có biện pháp hữu hiệu diệt trừ nạn tham nhũng lan tràn từ trước cuộc cách mạng.
Làn sóng phẫn nộ được dự đoán có thể dâng cao vào thời điểm tưởng niệm cái chết của Bouazizi và sẽ còn lan rộng trong thời gian tới. Thay vì hy vọng về một tương lai dân chủ mới, giới quan sát cho biết nhiều người Tunisia đang chạy trốn khỏi đất nước trong khi một bộ phận người trẻ thất nghiệp đứng trước nguy cơ bị thu hút bởi tư tưởng thánh chiến. Bức tranh này được thể hiện rõ trong vụ một thanh niên nhập cư Tunisia gần đây tấn công giết chết 3 người trong một nhà thờ ở thành phố Nice của Pháp.
Không chỉ tại Tunisia, biểu tình rầm rộ cũng lan rộng khắp Lebanon và Iraq từ cuối năm 2019 với khẩu hiệu của đám đông muốn loại bỏ toàn bộ tầng lớp cầm quyền. Hàng loạt cuộc nổi dậy năm ngoái lật đổ các nhà lãnh đạo lâu năm diễn ra ở Algeria, Sudan vẫn kéo dài đến nay nhằm loại bỏ quyền lực của quân đội. Trong khi đó, Libya, Syria và Yemen tiếp tục chìm trong nội chiến.
Với những gì diễn ra hiện nay, các nhà hoạt động và chuyên gia phân tích cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến “Mùa xuân Arab” bị chệch hướng là do các tổ chức theo chủ nghĩa tự do thế tục là lực lượng chính nhưng lại không cho thấy được sự gắn kết và vai trò lãnh đạo. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn trên chính trường thế giới, đặc biệt giữa các chế độ quân chủ vùng Vịnh, cũng góp phần đẩy các quốc gia vốn lung lay sau cuộc cách mạng lâm vào bất ổn triền miên.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)