15/10/2020 - 09:40

“Loay hoay” với thương mại điện tử 

Tại Đồng Tháp, thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) cũng bắt nhịp với thương mại điện tử (TMĐT). Việc tiếp cận với kênh thương mại mới này được nhiều DN đánh giá là giải pháp “cứu cánh” giúp DN cầm cự qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 . Hơn thế nhiều DN còn lạc quan kỳ vọng TMĐT sẽ là kênh thương mại phát triển song hành với các kênh phân phối truyền thống...

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đồng Tháp tận dụng kênh TMĐT để phát triển mang lưới kinh doanh.

Là một trong những DN khởi nghiệp sớm tiếp cận với TMÐT, các nhóm sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hương Sen Việt, TP Cao Lãnh, hiện là thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trên sàn TMÐT Tiki. Với việc tiếp cận với kênh TMÐT này hơn một năm qua đã giúp DN duy trì guồng máy sản xuất để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hương Sen Việt, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, do tác động từ dịch COVID-19, các kênh tiêu thụ truyền thống của DN chúng tôi gần như giảm doanh số so với bình thường rất nhiều. Thay vào đó, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhờ sớm đưa sản phẩm lên sàn Tiki nên mấy tháng qua mặc dù có khó khăn song DN của chúng tôi vẫn có thể ổn định sản xuất”.

Mặc dù được đánh giá là hướng đi triển vọng cho DN trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng, song việc tiếp cận với kênh TMÐT, đặc biệt là các sàn TMÐT uy tín không phải là chuyện dễ dàng với các DN vừa và nhỏ. Hiện nay, phần nhiều DN khởi nghiệp của tỉnh Ðồng Tháp có quy mô sản xuất thường nằm ở dạng nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm DN này thường vướng phải những khó khăn chung trong tiếp cận với TMÐT là: thiếu vốn, khó khăn về nguồn nhân lực có chuyên môn cao và hạn chế về các khâu trong quản trị DN.

Anh Nguyễn Tiến Phương, Chủ Cơ sở sản xuất cá khô Tiến Phương, huyện Hồng Ngự, chia sẻ về hướng phát triển thị trường trên nền tảng TMÐT hiện nay: “TMÐT mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở sản xuất nhỏ và các DN khởi nghiệp, thông qua kênh này chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập và mở rộng thị trường so với cách tiếp cận truyền thống. Song đi liền với những thuận lợi thì kinh doanh online cũng bộc lộ nhiều khó khăn và cũng cạnh tranh khốc liệt không kém kênh tiêu thụ truyền thống. Ðể làm ăn hiệu quả trên kênh TMÐT thì phải hoàn thiện nhiều bước. Trong đó, DN, cơ sở sản xuất cần phải có lực lượng chuyên trách có chuyên môn về TMÐT, các sản phẩm đều phải có hình ảnh chụp mô tả rõ ràng, bắt mắt, để khách hàng hiểu rõ về sản phẩm phải có bài viết tốt cập nhật thông tin đầy đủ về sản phẩm song song với hình ảnh… Ðây là một trong số nhiều công việc mà DN cần phải làm khi tiếp cận với kênh TMÐT”.

Một trong những khó khăn phổ biến “cản bước chân” DN vừa và nhỏ tham gia vào cuộc đua TMÐT là thiếu nguồn nhân lực chuyên trách. Rõ ràng trong thực tế lực lượng lao động có chuyên môn để giúp DN bắt nhịp cuộc đua TMÐT là không thiếu, song chi phí để thuê mướn lao động có chuyên môn cao về lĩnh vực TMÐT thì không phải DN nhỏ và siêu nhỏ nào cũng có thể làm được. Hiện tại, để vận hành kênh phân phối mới, các chủ DN ở Ðồng Tháp thường chọn cách làm theo kiểu “cây nhà lá vườn” và thường là các chủ DN tự mình hoàn tất các công đoạn từ chụp ảnh, viết bài cho đến trả lời và tương tác với khách hàng trên các trang. Song các công việc này “ngốn” khá nhiều thời gian của chủ DN và nếu muốn “đi đường dài” với TMÐT thì đây chưa phải là giải pháp hoàn hảo.

Chị Nguyễn Thị Các Thủy, Công ty TNHH Tây Cát, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Mặc dù TMÐT đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay, nhưng thực tế doanh số từ kênh này đối với Tây Cát vẫn chưa thật sự nhiều. Ðể làm ăn hiệu quả trên nền tảng số đòi hỏi phải có hạ tầng kỹ thuật, công nghệ về TMÐT phát triển song song, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Tuy nhiên, để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về TMÐT rõ ràng nằm ngoài tầm với của DN khởi nghiệp. Vì vậy, giải pháp của Tây Cát là tiềm lực nội tại, có tới đâu thì chúng tôi sẽ triển khai tới đó. Bên cạnh đó,  phát triển mở rộng các kênh phân phối truyền thống vẫn là nhiệm vụ được Tây Cát quan tâm nhiều hơn”.

Hiểu rõ TMÐT đang trở thành xu hướng của nền kinh tế hiện đại, thời gian qua tỉnh Ðồng Tháp đã thực hiện nhiều chương trình kết nối và hỗ trợ DN Ðồng Tháp tiếp cận với TMÐT. Ðiển hình là chương trình kết nối thông qua buổi hội thảo “Phát triển thương mại điện tử Ðồng Tháp - Tăng tốc sau dịch COVID-19” do UBND tỉnh Ðồng Tháp phối hợp với Hiệp hội TMÐT Việt Nam (VECOM) tổ chức. Thông qua buổi kết nối này, cộng đồng DN của Ðồng Tháp được các chuyên gia đến từ các sàn TMÐT lớn như: TiKi, Lazada, Sendo, Shopee “cầm tay chỉ việc” về các công đoạn và quy trình để phát triển kinh doanh trên nền tảng TMÐT. Ðể hỗ trợ DN Ðồng Tháp dễ dàng triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử, tỉnh Ðồng Tháp cũng ký kết hợp tác chiến lược với Hiệp hội TMÐT Việt Nam cùng với 4 sàn TMÐT hiện đại: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee.

TMÐT đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN vừa và nhỏ, hiện tỉnh Ðồng Tháp cũng đang dành nhiều chính sách và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để khuyến khích DN làm quen với kênh phân phối này. Song để tham gia “cuộc đua” TMÐT, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách thuận lợi, thì bản thân từng DN cần phải chủ động chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tham gia “cuộc đua” mới. Thị trường TMÐT đang được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN, song cơ hội này chỉ thật sự dành cho các DN có sự chuẩn bị đầy đủ, năng động và biết nắm bắt cơ hội.

Bài, ảnh: VÂN KHÁNH

Chia sẻ bài viết