30/07/2011 - 09:01

“Đường ống Hồi giáo”

Hồi đầu tuần này, bộ trưởng dầu mỏ của các nước Iran, Iraq và Syrie đã ký bản ghi nhớ xây dựng đường ống dẫn khí đốt đầu tiên dài 5.600 km trị giá 10 tỉ USD từ mỏ khí đốt South Pars của Iran qua các nước Iraq, Syrie, Liban, Hy Lạp trước khi đến Tây Âu. Đường ống này trên thực tế đã xây dựng được khoảng 1.300 km trên lãnh thổ Iran và đang chuẩn bị mở rộng hơn 600 km nữa qua lãnh thổ Iraq. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Abdul Kareem Luaiby cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Iraq và Iran đang tăng cường hợp tác với nhau, đồng thời nhấn mạnh “lệnh trừng phạt của Mỹ không tác động đến các mối quan hệ giữa hai nước láng giềng”.

Kênh truyền hình Press TV của Iran cho biết thỏa thuận tay ba nói trên là thỏa thuận khí đốt lớn nhất ở Trung Đông, bởi đường ống này dự kiến sẽ cung cấp 110 triệu mét khối khí đốt thiên nhiên/ngày. Nhu cầu khí đốt hàng ngày của Iraq khoảng 15 triệu mét khối, của Syrie khoảng 20 triệu mét khối và của Liban chừng 7 triệu mét khối, nên phần lớn lượng khí đốt của đường ống này sẽ được xuất khẩu qua thị trường châu Âu, nơi mà mức tiêu thụ khí đốt sẽ tăng từ 500 triệu mét khối/ngày hiện nay lên 700 triệu mét khối/ngày vào năm 2030.

Nhu cầu khí đốt tăng cao sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn vào nhà cung cấp từ Nga. Đây là điều châu Âu không muốn và đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, trong đó có thị trường Trung Á. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển đường ống khí đốt từ Trung Á khó có tính khả thi trước sự cạnh tranh quyết liệt của Nga và Trung Quốc, hai nước có mối quan hệ chính trị gần gũi với khu vực này. Các chuyên gia phương Tây gọi đường ống khí đốt từ Iran là “đường ống Hồi giáo” có thể đáp ứng một phần đáng kể cho người tiêu dùng ở châu Âu, dù giới cầm quyền Mỹ và một số nước đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vẫn thường lên tiếng yêu cầu các nước khác không làm ăn buôn bán gì với Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết