MAI QUYÊN
Theo Hãng tin Reuters, việc Mỹ can thiệp dự án SeaMeWe-6 cho thấy cạnh tranh giữa nước này và Trung Quốc về các công nghệ chủ chốt đang lấn sang lĩnh vực cáp ngầm dưới biển.
Công nhân lắp đặt cáp quang biển trên bãi biển ở Nam Phi. Ảnh: Reuters
Vào tháng 2, công ty cáp ngầm Mỹ SubCom bắt đầu lắp đặt tuyến cáp quang biển trị giá 600 triệu USD có tên gọi Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 6 (SeaMeWe-6). Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2025, kết nối dữ liệu của hàng chục quốc gia khi chạy từ Singapore đến Pháp.
Với chiều dài hơn 19.300km, SeaMeWe-6 không phải hệ thống cáp quang lớn nhất thế giới. Nhưng về mặt chính trị, dự án được coi là “chiến lợi phẩm” trong cuộc chiến ủy nhiệm đang gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc về những công nghệ mang tính chiến lược, có thể quyết định ai nắm quyền kiểm soát kinh tế và quân sự trong nhiều thập kỷ tới.
Trung Quốc bị “nẫng tay trên”
Tham gia đầu tư dự án SeaMeWe-6 là tổ hợp gồm hơn chục công ty toàn cầu. Khi đấu thầu vào đầu năm 2020, công ty Trung Quốc HMN Technologies (trước đây là Huawei Marine Networks) có lợi thế giành được dự án, một phần nhờ trợ cấp lớn từ Bắc Kinh giúp giảm chi phí. Đối với HMN Tech, SeaMeWe-6 là dự án lớn nhất cho đến nay. Nếu thắng thầu, tuyến cáp này sẽ giúp củng cố vị thế của HMN như nhà xây dựng cáp ngầm phát triển nhanh nhất thế giới; đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu của các công ty viễn thông Trung Quốc cùng rót kinh phí. Nhưng nỗ lực trên đã bị chặn lại khi Mỹ thông qua các ưu đãi kèm gây áp lực, thành công giúp SubCom giành hợp đồng.
Kể từ năm 2020, chính quyền Mỹ vì lý do an ninh đã ngăn cản nhiều dự án cáp quang ngầm dưới biển kết nối với nước này, nếu những công trình đó có sự tham gia của công ty Trung Quốc. SeaMeWe-6 là một trong ít nhất 6 thỏa thuận cáp quang biển tư nhân ở châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đã can thiệp để ngăn HMN Tech giành được hợp đồng hoặc buộc họ phải tái định tuyến, thậm chí loại bỏ các tuyến cáp có thể liên kết trực tiếp giữa Mỹ và lãnh thổ Trung Quốc.
Chi tiết những lần can thiệp chưa từng được báo cáo. Nhưng trong bài viết gần đây, Reuters cho biết trọng tâm chiến lược cạnh tranh của Washington đối với các tuyến cáp ngầm nối với Mỹ là ủy ban liên ngành Team Telecom. Trong khi Bộ Ngoại giao và các bên liên quan giúp ngăn Trung Quốc giành hợp đồng mới ở những khu vực ảnh hưởng lợi ích chiến lược của Mỹ ở nước ngoài, Team Telecom tập trung bảo vệ các mạng viễn thông trong nước khỏi bất kỳ tuyến cáp nào kết nối trực tiếp với Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong.
Để đạt các mục tiêu trên, Washington đưa ra những ưu đãi vượt trội kèm theo cảnh báo rủi ro cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như nhằm hất cẳng HMN Tech khỏi SeaMeWe-6, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ đã cung cấp các khoản tài trợ đào tạo trị giá 3,8 triệu USD cho 5 công ty viễn thông ở các nước tham gia tuyến cáp để đổi lấy việc họ chọn SubCom. Giới ngoại giao Mỹ thì thông qua đại sứ quán gieo mầm nghi ngờ về việc liệu HMN Tech có phải là lựa chọn tốt nhất hay không, chủ yếu đánh vào lo ngại rủi ro bảo mật cũng như khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt khiến khoản đầu tư vào dự án cáp gặp rắc rối.
Nguy cơ “ngắt kết nối” mạng
Chiến dịch hỗ trợ SubCom là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trở thành nhà sản xuất công nghệ tiên tiến thống trị thế giới, từ đó chống lại ảnh hưởng của Washington trên toàn cầu. Theo Reuters, có bằng chứng cho thấy chiến dịch của Mỹ làm chậm tốc độ phát triển cáp ngầm của Trung Quốc. Cụ thể, dữ liệu từ TeleGeography cho biết HMN Tech cung cấp 18% số cáp ngầm dưới biển được đưa vào hoạt động trong 4 năm qua. Nhưng công ty Trung Quốc này chỉ xây dựng 7% số cáp đang được phát triển trên toàn thế giới.
Trong động thái “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc bị cho cản trở việc xây dựng tuyến cáp Đông Nam Á - Nhật Bản 2 do Meta, công ty mẹ của Facebook đầu tư. Theo kế hoạch, tuyến cáp chạy từ Singapore và Đông Nam Á, đi qua Hong Kong, Trung Quốc đại lục trước khi đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã trì hoãn cấp giấy phép cho tuyến cáp đi qua Biển Đông, với lý do lo ngại nhà sản xuất cáp NEC của Nhật Bản cài thiết bị gián điệp.
Trong đánh giá chung, nhà tư vấn cáp biển Paul McCann cho biết ảnh hưởng địa chính trị đối với các tuyến cáp ngầm dưới biển như hiện nay là điều chưa từng xảy ra trong hơn 40 năm qua. Vốn ngành cáp ngầm dựa vào hợp tác ngoại giao cẩn trọng để tồn tại và căng thẳng hiện nay có thể dẫn đến sự “ngắt kết nối” hệ thống mạng khi các công ty Mỹ tự xây dựng tuyến cáp giữa họ và đồng minh, trong khi Trung Quốc làm điều tương tự với mạng ở châu Á và châu Phi, làm cho các khu vực này không liên kết với nhau.