15/11/2021 - 07:30

“Chủ nghĩa tư bản mới” có giúp được nước Nhật? 

Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (ảnh) cam kết thực hiện “Chủ nghĩa tư bản mới” để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng và tái phân phối các thành quả của quá trình phát triển nhằm xây dựng tầng lớp trung lưu lớn mạnh hơn.

Chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Ông Kishida trong chiến dịch tranh cử và sau khi nhậm chức đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện, đó là lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; hướng tới xã hội chia sẻ. Ba chính sách phải thực hiện là: dồn sức ngăn ngừa đại dịch COVID-19; hình thành chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; đảm bảo an ninh - ngoại giao.

Về khái niệm chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản, xét từ góc độ phương pháp luận còn nhiều điều phải bàn, nhưng nó được chuyển đổi từ chủ nghĩa tự do mới, cụ thể là hài hòa giữa tăng trưởng và phân phối. Chính xác hơn là nếu không có tăng trưởng thì sẽ không có phân phối, nhưng đồng thời nếu không có phân phối thì tiêu dùng, nhu cầu cũng không xuất hiện. Và ngược lại, nếu không có phân phối, thì tăng trưởng cũng không tồn tại.

Theo ông Kishida, chính sách mới bao gồm việc nới lỏng các quy định, quy chế và cải cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Do đó, việc hình thành chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản dựa trên hài hòa giữa tăng trưởng và phân phối là vô cùng cần thiết. Từ đó, chiến lược tăng trưởng làm cho nhân dân hạnh phúc và chính sách phân phối nhằm nâng cao thu nhập sẽ được ông Kishida xúc tiến trong thời gian tới.

Cụ thể, trong tăng trưởng, ông Kishida sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính là: thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ; đảm bảo an ninh kinh tế, mà cụ thể nhất là một bộ trưởng mới phụ trách an ninh kinh tế đã được bổ nhiệm; xây dựng quốc gia công nghệ số; xóa bỏ bất an trong một xã hội có tới gần 30% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Trong phân phối cũng dựa trên 4 trụ cột, đó là: nền kinh tế không phân biệt; hỗ trợ phí nhà ở và học phí; tăng thu nhập; phân phối công bằng.

Nhiều thách thức đang chờ đón

Các nhà phân tích đồng ý rằng, “Chủ nghĩa tư bản mới” là sự phủ nhận của Abenomics - chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài chính khổng lồ và là chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy cổ phiếu và lợi nhuận doanh nghiệp của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Với “Chủ nghĩa tư bản mới”, vị thủ tướng thứ 100 của nước Nhật đặt kỳ vọng “tăng gấp đôi thu nhập” cho người dân. Ông cam kết chi hàng chục tỉ USD từ nay cho đến cuối năm cũng như cung cấp các khoản hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Marcel Thieliant, nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics, cho rằng với “Chủ nghĩa tư bản mới”, thị trường chứng khoán của Nhật Bản được kỳ vọng ​​sẽ hoạt động tốt hơn Mỹ trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề của tân thủ tướng là làm thế nào để chi trả cho việc phân phối lại thu nhập mà không bỏ rơi những người giàu có. Tỷ lệ nợ công/GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ở mức 256%, cao gấp đôi so với Mỹ, nên ông Kishida có rất ít dư địa để tiếp tục vay nợ.

Ông Kishida từng cho rằng thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu và cổ tức bị đánh thuế ở mức cố định 20% là nguồn gốc của sự bất bình đẳng và điều này cần được giải quyết. Song, thuế thu nhập đã lên đến “đỉnh” là 55%. Cắt giảm sự kém hiệu quả sẽ là một cách để thúc đẩy tăng trưởng. Nhật Bản vẫn kém năng suất hơn 30% so với Mỹ, vì thế có những lời kêu gọi chính phủ cần thu hút nhiều phụ nữ và người cao tuổi hơn vào thị trường lao động với nỗ lực nâng cao phúc lợi xã hội cho những người làm việc không thường xuyên. Cá nhân ông Kishida cũng kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho chi phí học tập và nhà ở cho phụ huynh, trong khi có tiếng nói mong chính phủ đề nghị tăng lương cho những người chăm sóc và nhân viên giữ trẻ. 

Hiện công chúng đang theo dõi xem “Chủ nghĩa tư bản mới” của ông Kishida sẽ được thực hiện như thế nào. “Hy vọng của ông Kishida là tăng trưởng kinh tế và phân phối lại thu nhập sẽ phối hợp với nhau hiệu quả. Nhưng một số người lo ngại rằng ông ấy sẽ ưu tiên phân phối lại thu nhập hơn so với thúc đẩy kinh tế”, Kristi Govella, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall (Mỹ), cho biết.

Chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản được cho giống với ý tưởng của cố Thủ tướng Hayato Ikeda hồi năm 1960. Ông Ikeda thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhờ xuất khẩu bùng nổ trong khi mở rộng an sinh xã hội cho những người nghèo nhất. Đáng chú ý, ông Ikeda là người kế nhiệm của Nobusuke Kishi, ông ngoại của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết