19/11/2022 - 09:25

“Bức màn thép gai” che phủ châu Âu 

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP)

Hơn 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, giới quan sát cho biết kỷ nguyên hợp tác giữa phương Tây với Nga dường như đã kết thúc khi các “bức màn thép gai” dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine xuất hiện nhiều hơn tại châu Âu.

Binh sĩ Ba Lan dựng hàng rào dọc biên giới với Belarus. Ảnh: AP

Năm 2015, một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới nhằm chặn dòng người với hơn 1 triệu dân tị nạn tràn vào Nam Âu từ Trung Ðông và châu Phi. Thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều nước EU lần nữa tỏ ra cứng rắn trong vấn đề an ninh biên giới trước lo ngại về một cuộc khủng hoảng di cư mới do Nga “dàn dựng” để trả đũa trừng phạt từ phương Tây liên quan cuộc chiến ở Ukraine.

Ðơn cử như Phần Lan, nước này với Nga có đường biên giới dài 1.340km, hầu hết chạy qua các khu rừng rậm và trước nay chỉ đánh dấu bằng những cột gỗ với hàng rào thấp ngăn gia súc đi lạc. Nhưng không bao lâu nữa, hàng rào kim loại cao với dây thép gai bên trên sẽ được Phần Lan dựng lên ở những khu vực được coi là quan trọng nhất nhằm tăng cường an ninh biên giới. Toàn bộ hàng rào dự kiến hoàn thành sau 3-4 năm và theo lời Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, các công sự sẽ giúp bảo vệ nước này trước “những mối đe dọa hỗn hợp” có thể xảy ra trên quy mô lớn bên cạnh làn sóng “di cư bất thường” do Ðiện Kremlin thúc đẩy.

Ðầu tháng này, Ba Lan cũng bắt đầu xây hàng rào kẽm gai tạm thời ở biên giới với Kaliningrad, nơi đóng quân của Nga trên biển Baltic, sau khi Mát-xcơ-va triển khai các chuyến bay từ Trung Ðông và Bắc Phi đến khu vực nói trên, làm dấy lên mối đe dọa về di cư. Cao 2,5m và rộng 3m, hàng rào mới được trang bị thêm các thiết bị giám sát điện tử ở những khu vực không thể tuần tra thường xuyên. Phối hợp với Ba Lan, Litva ngoài củng cố đường biên giới với Kaliningrad còn lên tiếng kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tăng cường triển khai quân và hệ thống phòng không. Trước đó, cả hai nước đều đã dựng những công trình bê tông dọc theo biên giới của họ với Belarus vì cuộc khủng hoảng di cư.

Theo tờ The Sun, một số quốc gia thành viên EU khác như Latvia hay Estonia đã cho rào biên giới phía Ðông, trước lo ngại Nga và đồng minh Belarus tiếp tục “vũ khí hóa di cư” để gieo rắc hỗn loạn ở phương Tây. Trong khi đó, Na Uy không có kế hoạch dựng hàng rào trên đường biên giới dài hơn 194km với Nga, nhưng cho biết họ có thể đóng cửa biên giới sau “thông báo vài giờ”. Dự kiến đến năm 2025, các đường biên giới với tổng chiều dài 3.389km sẽ được củng cố bằng thép, bê tông và dây kẽm gai, khơi gợi lại dư âm của “Bức màn Sắt” với biểu tượng là Bức tường Berlin chia cắt châu Âu từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đến cuối cuộc Chiến tranh Lạnh.

Theo Giáo sư địa chính trị Klaus Dodds tại Ðại học Luân Ðôn (Anh), sự lạc quan có ở châu Âu về hợp tác với Nga sau năm 1989 đã xói mòn và gần như biến mất. Trong một đánh giá, Giáo sư Olga Davydova-Minguet chuyên các vấn đề về Nga và biên giới, nói rằng các “bức màn thép gai” đều mang giá trị biểu tượng. Một mặt, nó thể hiện sự coi trọng của các nước EU về vấn đề an ninh và toàn vẹn biên giới. Mặc khác, nhiều nước thông qua hành động này muốn truyền đi thông điệp cứng rắn phản đối chiến tranh ở Ðông Âu; đồng thời coi đây là cảnh báo buộc Nga - Belarus suy nghĩ kỹ trước khi lại theo đuổi chính sách bị cáo buộc là “vũ khí hóa di cư”.

Chia sẻ bài viết