Bài, ảnh: HỮU ĐỨC
Vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL vào vụ chậm so cùng kỳ năm trước. Giá tôm thương phẩm giảm thấp, người nuôi và doanh nghiệp chờ thị trường xuất khẩu phục hồi, tăng trở lại.
Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta.
Vào mùa thấp điểm
Sau một năm thị trường xuất khẩu tôm khởi sắc tạo tâm lý phấn chấn cho người nuôi tôm ở ĐBSCL, nhưng bước vào đầu năm 2023 chuẩn bị bắt tay vào vụ nuôi mới, người nuôi tôm trong vùng bất ngờ đối mặt nhiều khó khăn, bất lợi.
Đến nay đã qua hơn 4 tháng đầu năm, tiến độ thả tôm nuôi vào vụ của một số địa phương ven biển còn chậm hơn so với cùng kỳ. Tại tỉnh Sóc Trăng - một trong những địa phương có vùng nuôi tôm thâm canh lớn ở ĐBSCL, theo kế hoạch năm 2023 có 51.000ha nuôi tôm. Đến tuần đầu tháng 5 diện tích thả nuôi trong tỉnh chỉ hơn 13.500ha. Trong đó tôm thẻ chân trắng trên 11.120ha, tôm sú trên 2.370ha, đạt 26,5% so với kế hoạch, bằng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, từ khi thả tôm đầu vụ đến nay mức độ thiệt hại dịch bệnh thấp, khoảng 210ha, thấp hơn gần 200ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên điều đáng lo lắng hiện thời giá tôm thương phẩm suy giảm. Vào thời điểm tuần đầu tháng 5, tùy theo cỡ tôm giá giảm từ 3.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tôm cỡ 20 con/kg còn cầm giữ giá mức trên 220.000-240.000 đồng, cao hơn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Còn lại các cỡ tôm từ 30 con/kg đến 130 con/kg đều giảm nhẹ ít nhất 3.000 đồng/kg, đến giảm sâu nhất 21.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước.
Một công ty thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng phân loại theo chất lượng thu mua loại tôm thẻ cỡ 50 con/kg, giá 105.000-121.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đồng đến 21.000 đồng/kg so cùng kỳ. Còn loại tôm cỡ 100 con/kg, thu mua giá 87.000-102.000 đồng/kg, giảm 3.000-6.000 đồng/kg so cùng kỳ. Song, loại tôm cỡ nhỏ này đang được tiêu thụ chợ nội địa khá tốt và xuất bán các tỉnh phía Bắc.
Theo dân mua bán tôm tươi thu hoạch tại ao nuôi, mức giá tôm đầu tháng 5 giảm thấp gần như chạm đáy. Tôm bán ra chợ và nhà máy tiêu thụ giá thấp khiến người nuôi tôm có tâm lý chần chừ chậm vào vụ thả nuôi. Mặt khác, một số địa phương có vùng nuôi xa vào vùng nội địa, nước mặn lên trễ. Trong khi giá tôm tới kỳ thu hoạch bán giá thấp, nhưng chi phí đầu vào từ đầu năm cho tôm giống, thức ăn thủy sản đều tăng giá, giá thành nuôi tôm cao, đồng lời ít. Còn nỗi lo một số hộ nuôi tôm quy mô nhỏ than thở tình trạng thiếu vốn phải treo ao khi các đại lý không đầu tư con giống, thức ăn...
Ở Bạc Liêu có một số người nuôi tôm giỏi lo xa tiềm ẩn bệnh EHP làm tôm nuôi chậm lớn, hiệu quả càng thấp. Nếu tình hình này kéo dài, từ tháng 8 sắp tới các nhà máy chế biến thủy sản sẽ thêm khó vì thiếu nguyên liệu.
Hy vọng thị trường
Mong muốn của người nuôi tôm lúc này trông chờ vào thị trường sớm hồi phục, giá tốt có lời để thả tôm. Có người nói cho dù nước mặn lên trễ thì chờ đủ độ mặn, lùi thời vụ thả tôm chậm cũng không sao. Thực tại ở vùng nuôi tôm cho thấy các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm có điều kiện ứng dụng công nghệ, kiểm soát tốt nguồn nước, chất lượng tôm giống vẫn đảm bảo đạt hiệu quả. Một số trại nuôi tôm thẻ lót bạt đáy ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư ở Sóc Trăng, Bạc Liêu thả nuôi từ đầu năm đến nay thu hoạch trúng mùa, có ao thu đạt 25-30 tấn/ao.
Vấn đề còn lại cốt yếu vẫn là làm thế nào nuôi tôm hạ giá thành. Doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở thêm thị trường mới để ngành hàng tôm trụ vững vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong những tháng vừa qua trong tình hình thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU suy giảm khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng đầu năm giảm tốc. Để tìm cách ứng phó, một số doanh nghiệp chủ động chào hàng sản phẩm mới hướng xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm khác.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN), nhận định: Khó khăn nhất ngành tôm hiện thời là giá bán thấp trong khi giá thành nuôi tôm cao. Xuất khẩu tôm tiêu thụ thấp do kinh tế thế giới lạm phát, suy thoái và các nước Ecuador, Ấn Độ cạnh tranh cung nhiều tôm giá rẻ. Do vậy, đối sách của mỗi doanh nghiệp tùy theo hoàn cảnh mà có cách đối đầu khó khăn nêu trên, như tiết kiệm, giảm giá, nâng cao trình độ chế biến, nâng cao chất lượng, giới thiệu mặt hàng mới...
Vừa qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất vay USD cho các doanh nghiệp thủy sản để tiếp tục thu mua nguyên liệu trong nước sản xuất. Ông Lực cho đây là một trong những giải pháp gỡ khó, cần được hỗ trợ sớm. Ông dự đoán khả năng đầu quý III-2023 thị trường xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc hơn sau khi bán hết tồn kho từ trong năm.