TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Cuộc tranh luận về khả năng hạt nhân hóa của Hàn Quốc trong năm nay đã diễn ra công khai và rộng khắp trong bối cảnh Triều Tiên được cho sẽ "nối gót" lời đe dọa tấn công hạt nhân vào Ukraine của Nga bằng đòn "tấn công hạt nhân phủ đầu" nhằm vào xứ kim chi.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối mà Mỹ đặt tại Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images
Công chúng nhiệt tình ủng hộ
Nếu như trước đây, các cuộc tranh luận nói trên chỉ thỉnh thoảng được đăng tải trên các tờ báo bảo thủ thì giờ đây, nó trở thành chủ đề thảo luận về an ninh quốc gia, được tranh luận một cách sôi nổi tại các hội nghị cấp cao. Một cuộc thăm dò do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện hồi tháng 2-2022 cho thấy, 71% người Hàn Quốc muốn đất nước họ có vũ khí hạt nhân. Một cuộc khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan Hàn Quốc tiến hành hồi tháng 5-2022 nhận thấy, 70% người dân xứ kim chi ủng hộ Seoul hạt nhân hóa.
Thật ra, trong hơn một thập niên qua, sự ủng hộ của công chúng Hàn Quốc đối với việc Seoul hạt nhân hóa ngày càng gia tăng. Ngay từ năm 2017, lãnh đạo đảng đối lập chính ở Hàn Quốc đã công khai gợi ý rằng nước này cần có vũ khí hạt nhân. Sự ủng hộ của công chúng đối với vấn đề hạt nhân hóa một phần là bởi sự lo ngại đối với Triều Tiên, nơi rõ ràng là mối đe dọa hiện hữu đối với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng được cho đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân và thường xuyên đe dọa tấn công Seoul. Mới đây nhất, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 10-10 cho biết nước này vừa có các cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân giả nhằm gửi đi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Hàn Quốc và đồng minh Mỹ. Trên thực tế, giới chuyên gia quan ngại Triều Tiên có thể tạo ra mối đe dọa hạt nhân đối với Hàn Quốc trong vài năm nữa khi chương trình hạt nhân của họ phát triển hơn.
Hồi tháng 9, Triều Tiên đã thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân, chính thức tuyên bố là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào "các mục tiêu chiến lược" của Triều Tiên, trong đó có giới lãnh đạo của nước này. Luật mới cũng trao cho Chủ tịch Kim Jong-un quyền hạn duy nhất để ban hành mệnh lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cho phép sử dụng vũ khí này một cách "tự động" trong trường hợp Triều Tiên bị tấn công.
Bình Nhưỡng đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân từ năm 2003 và đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được nước này tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và quả bom gần nhất được kích nổ vào tháng 9-2017 có sức công phá khoảng 100 kiloton, gấp 5 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Quân đội Mỹ tháng 7-2020 cho biết Triều Tiên có khoảng 20-60 quả bom hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 quả mỗi năm.
Nỗi ám ảnh hạt nhân
Ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hồi tháng 9-2017, một số chính trị gia Hàn Quốc đã đề xuất việc tái triển khai vũ khí hạt nhân tới các căn cứ Mỹ tại nước này. Ðược biết, vào thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng triển khai hàng loạt đầu đạn hạt nhân tại Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên và cả Liên Xô.
Cụ thể, vào mùa xuân năm 1954, Mỹ triển khai oanh tạc cơ B-29 cùng 9 quả bom hạt nhân đến đảo Okinawa, Nhật Bản. Năm 1958, đạn hạt nhân M442 trở thành vũ khí hạt nhân đầu tiên xuất hiện trên Bán đảo Triều Tiên, khi các sư đoàn lục quân Mỹ tái cơ cấu theo mô hình "Pentomic". Lực lượng Mỹ khi đó cũng được trang bị pháo phản lực MGR-1 Honest John, loại vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Mỹ.
Cũng trong năm 1958, Mỹ triển khai mìn hạt nhân dọc các hướng tấn công tiềm tàng của Triều Tiên. Bên cạnh đó còn có 15 tên lửa hành trình MGM-1 Matador có tầm bắn tới 1.000km, chứa đầu đạn hạt nhân 40 kiloton. Ðến năm 1961, Mỹ đưa tên lửa phòng không MIM-14 Nike Hercules đến Hàn Quốc. Chỉ sau một năm, Washington tiếp tục triển khai thêm tên lửa đạn đạo MGM-29 Sergeant có tầm bắn 120km và mang đầu đạn có sức công phá 200 kiloton.
Trong khi đó, pháo không giật M28/29 Davy Crockett, loại vũ khí hạt nhân có sức công phá nhỏ nhất trong lịch sử, được triển khai tại Hàn Quốc trong giai đoạn 1962-1968. Mỗi quả đạn M388 của pháo Davy Crockett chỉ trang bị đầu đạn mạnh tương đương 10-20 tấn thuốc nổ TNT. Ngoài ra, không quân Mỹ cũng triển khai các loại bom hạt nhân như B43, B57 và B61 cho tiêm kích F-4D Phantom II đóng quân tại các căn cứ Osan, Kunsan và Kwangju. Ðây là những vũ khí hạt nhân cuối cùng được Mỹ bố trí tại Bán đảo Triều Tiên, trước khi rút hoàn toàn vào năm 1991.
Những vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai tại Hàn Quốc nói trên đều có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, nhằm ngăn Triều Tiên xâm lược và phục vụ kế hoạch tấn công phủ đầu
Liên Xô.
Như vậy, trong giai đoạn cao điểm của thập niên 1960, Washington bố trí tổng cộng 950 đầu đạn hạt nhân các loại trên Bán đảo Triều Tiên. Ðến thập niên 1970, nước này bắt đầu rút bớt các loại pháo phản lực và tên lửa đạn đạo hạt nhân, chỉ để lại bom hạt nhân. Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ rút hoàn toàn vào năm 1991, đáp ứng thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hòa giải giữa hai miền.
Trước nỗi ám ảnh hủy diệt của cuộc đua vũ khí hạt nhân, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul cho biết Seoul thích “tài sản chiến lược” của Mỹ hơn là vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, ngoài việc có khoảng 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc, Mỹ còn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tại xứ kim chi. Giới chức Mỹ cũng có quan điểm tương tự, bởi một chương trình vũ khí tiềm năng ở Hàn Quốc sẽ trái ngược với chính sách hiện tại của xứ cờ hoa. Các chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden hay cựu Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh rằng mục tiêu của Nhà Trắng trong khu vực là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.