28/10/2021 - 21:01

“Bộ tứ” về Afghanistan tìm tiếng nói chung 

Trong tuần này, Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan tiếp tục thảo luận xây dựng mặt trận thống nhất liên quan cuộc khủng hoảng đang bao trùm Afghanistan kể từ khi Mỹ rút quân.

Theo đó, Ngoại trưởng 4 nước Trung Quốc, Iran, Pakistan và Nga hôm 27-10 đã tham gia cuộc họp về Afghanistan do Tehran chủ trì trong nỗ lực tìm kiếm quan điểm chung về cuộc khủng hoảng nhân đạo, kinh tế, chính trị và rủi ro an ninh tại Afghanistan. Ngoại trừ đại diện Nga - Trung dự trực tuyến, các nhà ngoại giao cấp cao còn lại có mặt trực tiếp cùng với quan chức của 3 nước Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Các nhà ngoại giao khu vực tham gia hội nghị về Afghanistan mới đây. Ảnh: Getty Images

Phát biểu qua video, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên nhìn nhận sự phát triển kịp thời của tiến trình đối thoại và hợp tác song phương lẫn đa phương với Afghanistan. Trong đó, chống khủng bố là vấn đề đáng lưu ý giữa thời điểm mối đe dọa từ các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lan ra khắp khu vực. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, nỗ lực hiện nay cần được hiện thực hóa thông qua Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - sáng kiến an ninh của Bắc Kinh và tất cả những nước tham dự cuộc họp đều là thành viên, trừ Turkmenistan giữ vai trò trung lập.

Trong khi Trung Quốc đề cao nhiệm vụ chống khủng bố, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh sự đoàn kết của Afghanistan cùng các quốc gia láng giềng nhằm ngăn Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tái thiết lập hiện diện quân sự trong khu vực. Ðối với tiến trình hòa bình Afghanistan, ông Lavrov đồng ý đối thoại là quan trọng nhưng dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự do Mát-xcơ-va dẫn đầu với thành viên gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trong cuộc họp tương tự hồi tuần rồi, Nga cũng thúc đẩy cái gọi là “định dạng Mát-xcơ-va” - cơ chế tham vấn giữa đại diện giữa Nga, Afghanistan, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Ðộ, Mỹ cùng 5 quốc gia Trung Á và các bên liên quan xung đột.

Cùng với nỗ lực của hai cường quốc, Iran tại hội nghị cũng tái khẳng định vai trò trung gian hòa giải khu vực. Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho biết Tehran đủ khả năng đối phó thách thức mới ở Afghanistan dựa trên kinh nghiệm trong các cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Syria cũng như nhiều năm đối đầu hành động quân sự của Mỹ. Ủng hộ cách tiếp cận đa phương trong vấn đề Afghanistan, đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht-Ravanchi trước đó đề nghị các bên đàm phán theo định dạng “6+2” bao gồm 6 quốc gia có biên giới với Afghanistan và Nga, Mỹ.

Theo giới quan sát, cuộc họp diễn ra tại Iran là một phần trong chiến lược của Nga - Trung để đảm bảo các nước ở khu vực là lực lượng đi đầu trong vấn đề Afghanistan. Kể từ khi Mỹ rút quân và Taliban nắm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á hồi tháng 8, chưa có nước nào trên thế giới công nhận chính quyền mới ở Kabul. Nhưng Trung Quốc, Nga và một số nước láng giềng như Iran, Pakistan đã tích cực vận động quốc tế làm việc với Taliban nhằm tránh nguy cơ bất ổn ở Afghanistan đe dọa an ninh khu vực.

Bất chấp đề nghị đàm phán về tình hình Afghanistan, Mỹ đến nay vẫn tránh các cuộc đối thoại chính thức bên ngoài nền tảng “3 bên mở rộng” được thiết lập giữa Trung Quốc, Nga và Pakistan. Thay vì gây thêm áp lực, Ngoại trưởng Vương Nghị gần đây đã giục Washington và các đồng minh “xử lý đúng đắn” và làm việc với lực lượng Taliban dựa trên tình hình thực tế để giúp Afghanistan chống khủng bố và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hiện Trung Quốc - Taliban đã thiết lập cơ chế làm việc để thúc đẩy đối thoại. Bắc Kinh cũng sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán sâu hơn giữa Taliban với quốc tế về tương lai Afghanistan.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SCMP)

Chia sẻ bài viết