11/12/2010 - 10:14

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU:

“Bộ đôi” Đức - Pháp tìm tiếng nói chung

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Sarkozy. Ảnh: dailybail

Hôm qua 10-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau tại Freiburg (phía Tây nước Đức), nhằm xác định lập trường chung chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần tới. Theo đó, hai bên cam kết ủng hộ đồng tiền chung euro và nhất trí bác bỏ việc phát hành trái phiếu khu vực đồng euro, cũng như không tán thành việc tăng thêm quỹ giải cứu khủng hoảng nợ của EU trị giá 440 tỉ euro.

Theo kiến nghị của Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, phát hành trái phiếu khu vực đồng euro là cách để ngăn chặn các hoạt động đầu cơ thị trường, đối phó với khủng hoảng nợ đang khiến lãi suất cho vay tăng vọt trên các thị trường. Về lý thuyết, trái phiếu này có thể giúp các nước yếu ở khu vực đồng euro liên kết với các nước mạnh hơn như Đức và Pháp để vay tiền, thay vì tự phát hành trái phiếu quốc gia khi huy động vốn từ các nhà đầu tư, vốn có lãi suất cao.

Tuy nhiên, cả Pháp và Đức đều cho rằng thảo luận vấn đề trái phiếu chung trong tình hình hiện nay là vô ích. Đức phản đối vì cho rằng trái phiếu khu vực đồng euro sẽ “buộc” chặt chi phí vay nợ của các nước thành viên yếu hơn như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha với các nền kinh tế lớn ở châu Âu. Điều đó sẽ làm tăng chi phí cho cả Đức và Pháp. Đức cũng e ngại về việc phân chia chi phí và lợi nhuận từ việc phát hành trái phiếu. Mặt khác, vấn đề này có thể gây thêm khó khăn cho Thủ tướng Merkel trong đối nội, khi tòa án Hiến pháp Đức đang xem xét tính pháp lý của cơ chế quỹ giải cứu EU hiện nay. Quyết định đóng góp vào quỹ giải cứu EU của bà Merkel đã gây ra làn sóng phản đối trong dân Đức, vốn không chấp nhận dùng tiền thuế của mình để cứu nước khác trong lúc kinh tế đất nước cũng khó khăn.

Trong khi đó, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel, Pháp đã tuyên bố ủng hộ Đức phản đối kiến nghị phát hành trái phiếu chung. Pháp cũng bác bỏ kêu gọi tăng thêm quỹ cho cơ chế giải cứu tạm thời của EU, vì cho rằng quỹ hiện nay đã đủ để giải cứu Bồ Đào Nha, vốn được xem là nước có nguy cơ vỡ nợ kế tiếp. Trong khi đó các nhà phân tích cho rằng Tây Ban Nha cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn và với nguồn quỹ hiện thời EU sẽ khó có thể cứu nền kinh tế lớn thứ tư EU này nếu Tây Ban Nha cũng yêu cầu trợ giúp trong thời gian tới.

Việc Pháp và Đức phản đối tăng quỹ giải cứu EU sẽ là trở ngại lớn cho khu vực, sau khi 16 nước sử dụng đồng euro nhất trí hôm 28-11 về việc hình thành hệ thống giải cứu cố định vào năm 2013, thay thế thỏa thuận hỗ trợ tạm thời và khẩn cấp hiện nay, nhằm giúp các nước gặp khó khăn về tài chính. Hệ thống mới cần phải được 27 nước thành viên EU thông qua khi họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 16 và 17-12 tới.

N. KIỆT
(Theo Reuters, AFP, NYT)

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Sarkozy. Ảnh: dailybail

Chia sẻ bài viết