31/05/2019 - 15:38

“Bỏ điện thoại xuống và cầm quyển sách lên”… 

Tại Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, TP Cần Thơ đạt thành tích ấn tượng với 11 giải thưởng. Càng vui hơn nữa khi chuyện đọc sách, chia sẻ điều hay từ sách đã lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội thông qua cuộc thi này.

Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, trao thưởng cho các em đoạt giải. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, trao thưởng cho các em đoạt giải. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

“Bạn ơi sách quý rất nhiều

Chúng ta hãy đọc hiểu hơn nhe

Sách là người bạn khôn ngoan

Giúp ta hiểu biết, học hành thông minh”

Đó là mấy câu trong bài thơ “Hãy nhớ” của bé Nguyễn Tiến Phát, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Trung Thạnh 3 (huyện Cờ Đỏ). Bài thơ này cùng với phần trình bày ấn tượng, chữ viết nắn nót của Phát đã giúp em đoạt giải Khuyến khích (bậc tiểu học) ở vòng chung kết toàn quốc. Cậu bé khôi ngô, lanh lợi và rất thích đọc sách chia sẻ vanh vách hàng chục tên sách hay mà em đã đọc qua. “Con thích nhất là đọc truyện cổ tích, truyện rất hay và dạy con rất nhiều điều”, Tiến Phát lễ phép.

Với Châu Bảo Gia Hân, học sinh lớp 10, Trường Phổ thông Thái Bình Dương (quận Ninh Kiều), bài dự thi của em thoạt nhìn tưởng như trang sách in bởi nét chữ đều tăm tắp, cẩn thận trong từng nét viết. Trong phần chia sẻ về quyển sách mà em yêu thích, Gia Hân đã viết về quyển “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” của tác giả Dale Carnegie. Không chỉ giới thiệu chi tiết về quyển sách, Gia Hân còn chia sẻ những điều học được từ sách, rằng hãy sống vui, sống lạc quan: “Có rất nhiều cách để gạt bỏ những lo lắng trong đầu mình. Thay vì lo lắng bận tâm về quá khứ thì nên suy nghĩ tích cực hơn cho tương lai”. Gia Hân đã đoạt giải Nhì cuộc thi - giải thưởng cao nhất mà Cần Thơ có được tại cuộc thi này.

Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc có đến hơn 536.600 bài dự thi của học sinh trong cả nước. Trước đó, tại vòng sơ khảo cuộc thi ở Cần Thơ, có gần 22.300 bài dự thi của học sinh 148 trường trong thành phố tham dự. Các bài dự thi cho thấy tâm huyết, sáng tạo cùng tình yêu sách của học sinh Cần Thơ. Qua cuộc thi, nhiều điển hình về phong trào đọc sách được tuyên dương. Ví dụ như Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) có 3 bài dự thi cấp toàn quốc và đoạt đến 4 giải (đạt thêm giải chuyên đề). Toàn quận Ô Môn có 5 bài dự thi được chọn vào vòng chung kết toàn quốc thì tất cả 5 bài đều đạt giải và còn đạt thêm 2 giải chuyên đề. Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì là trường học có số thí sinh dự thi nhiều nhất.

*  *  *

Một mùa giải thành công của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đằng sau những bài dự thi, những giải thưởng được trao còn là những câu chuyện đẹp về tình yêu sách. Em Nguyễn Duy Anh, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ô Môn), đoạt giải Khuyến khích vòng chung kết toàn quốc, đã chia sẻ rất hay về bài dự thi của mình. Em viết về quyển  “Mình là cá, việc của mình là bơi” của tác giả Takeshi Furukawa. Em nói rằng, “Sống hết mình cho ngày hôm nay” chính là điều mà cuốn sách này trao gởi và em cũng vậy, sống với sách bằng cả niềm đam mê, đọc sách khi có thể. Duy Anh còn nói rằng, tình yêu đọc sách được truyền từ anh của em (hiện là sinh viên) khi từ nhỏ em đã được anh dạy cách đọc sách. Duy Anh khoe, trường em có thư viện với rất nhiều sách hay, học sinh có thể đọc và mượn bất cứ cuốn nào.

Còn em Châu Bảo Gia Hân kể, trường của em có CLB đọc sách, thu hút rất đông các bạn tham gia. Mỗi buổi sinh hoạt, các bạn lại cùng nhau chia sẻ về một quyển sách hay, kể những gì mình đã học được từ sách… Những trang sách dần dà có sức hút với các em. “Giờ đây, sách thật sự như người bạn của em”, Gia Hân nói. Bà Phạm Thị Thu Hà, mẹ Gia Hân, cho biết thêm: Từ nhỏ gia đình đã tập cho cháu có thói quen đọc sách. Cả gia đình là “khách hàng thân thiết” của Tiki - trang bán sách trực tuyến. Khi các thành viên trong gia đình cần sách gì thì cùng lựa chọn rồi “gom” chung đơn hàng để đặt. Nhiều khi mua sách nhiều cũng nặng về chi phí, nhưng nghĩ, đó là “tài sản lâu bền” nên ai cũng tích cóp để dành. Chính việc gia đình là một thư viện thu nhỏ mà Gia Hân đã được “truyền lửa” mê sách.

Bà Nguyễn Thị Yến, mẹ bé Nguyễn Tiến Phát và cũng là giáo viên, cho biết đã rèn cho bé thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Từ sách tranh, ảnh rồi sách có ảnh minh họa, dần dần lên truyện cổ tích, sách kỹ năng sống… Khi các con có niềm đam mê thì người lớn không cần nhắc nhở cũng sẽ tự tìm sách đọc.

Trong cuộc thi này, ở bậc THPT, có một câu hỏi rất hay rằng: Nếu là Đại sứ Văn hóa đọc, em sẽ lan tỏa thông điệp gì? Thật thích thú với bài viết của Châu Bảo Gia Hân, em có đến 9 thông điệp nhắn nhủ. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là thông điệp thứ 6: “Cất ngay điện thoại và tránh để những thứ khác làm ảnh hưởng đến”. Em lập luận rằng, trong cuộc sống ngày nay, hầu như ai cũng có chiếc điện thoại. Thời gian rảnh chúng ta thường tập trung vào điện thoại: “Thậm chí, bận đến cỡ nào chúng ta cũng dành thời gian để lướt facebook, zalo, chơi game…”. Tại sao ta không chọn cầm một quyển sách và đọc?

Chia sẻ của Gia Hân thật sự khiến mỗi người chúng ta phải suy ngẫm. Từ khi nào chúng ta đã bị chi phối bởi công nghệ mà quên đi thói quen đọc sách. Thử một ngày nào đó, ta bỏ điện thoại xuống và cầm quyển sách lên - sẽ thú vị rất nhiều!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết