23/07/2024 - 08:34

Ðằng sau thành công của ngành xuất khẩu quốc phòng Hàn Quốc 

Nổi tiếng thế giới về các thiết bị điện tử và ôtô tiên tiến nhưng Hàn Quốc có vẻ chưa chịu dừng lại ở đó. Theo Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2024, Hàn Quốc hiện là cường quốc quân sự đứng thứ năm thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Ðộ.

Chiến đấu cơ FA-50 Block 20 mà Malaysia đặt mua của Hàn Quốc. Ảnh: ROKAF

Gần đây, quốc gia Ðông Á này nổi lên như một trong những nước xuất khẩu vũ khí tăng trưởng nhanh nhất, dần dần được công nhận trên trường quốc tế. Trong thập niên qua, xuất khẩu quốc phòng của xứ kim chi đã tăng 12%, trở thành nhà cung cấp quốc phòng lớn thứ 10 thế giới, chiếm 2% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Xuất khẩu quốc phòng được xem là một bộ phận trong tầm nhìn “Quốc gia quan trọng toàn cầu” của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Năm 2021, xuất khẩu quân sự của Hàn Quốc lần đầu trong lịch sử vượt qua mức nhập khẩu. Năm 2023, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đạt xấp xỉ 14 tỉ USD. Tuy giảm nhiều so với mức 17,3 tỉ USD của năm 2022, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc hồi năm ngoái vẫn thành công về mặt đa dạng hóa, bởi Seoul mở rộng xuất khẩu sang 12 quốc gia trong khi các loại vũ khí được xuất khẩu tăng gấp đôi, từ 6 lên 12 loại.

Năm nay, Seoul đặt mục tiêu xuất khẩu quốc phòng đạt mức 20 tỉ USD. Chính phủ Hàn Quốc còn công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm chiếm 5% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027, trở thành nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ tư thế giới. Ðể đạt được mục tiêu này, Seoul cam kết tăng cường hỗ trợ ngành công nghiệp vũ khí, đặc biệt chú trọng vào các công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay vật lý lượng tử.

Uk Yang, chuyên gia quân sự và quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho rằng thành công của Hàn Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố.

Một là, Hàn Quốc sở hữu các công nghệ đẳng cấp thế giới. “Các công nghệ tiên tiến của ngành công nghiệp dân sự Hàn Quốc hiện đang được áp dụng để phát triển hệ thống vũ khí, cho phép nước này phát triển các hệ thống vũ khí đẳng cấp thế giới” - ông Yang nói.

Hai là, Seoul có lợi thế là có thể cung cấp các sản phẩm quân sự đã được thử nghiệm trên chiến trường. Ông Yang lưu ý, các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc được phát triển để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên và tiếp tục được nâng cấp ngay cả khi chúng được sử dụng trên chiến trường.

Ba là, vũ khí do Hàn Quốc sản xuất có giá phải chăng.

Bốn là, tiến độ sản xuất nhanh chóng cũng góp phần tạo nên thành công của ngành xuất khẩu quốc phòng Hàn Quốc. “Ðể đáp ứng nhu cầu ổn định của quân đội Hàn Quốc, ngành công nghiệp quốc phòng nước này duy trì các cơ sở sản xuất quy mô lớn, cho phép Seoul giao hàng nhanh hơn so với các công ty ở Mỹ và châu Âu” - ông Yang cho biết thêm.

Thời điểm hoàn hảo cũng đóng vai trò then chốt trong thành công nói trên. Bối cảnh an ninh toàn cầu bất ổn dẫn đến mức chi tiêu quốc phòng cao chưa từng có. Năm 2023, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 2.200 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2022. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lực sản xuất vũ khí do nhu cầu củng cố quốc phòng ngày càng tăng, còn hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga gặp nhiều thách thức do hứng chịu các lệnh trừng phạt vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã nắm lấy cơ hội.

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu quốc phòng, ngoài cung cấp các hỗ trợ về công nghệ, tài chính, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ đáng kể về mặt ngoại giao. Chẳng hạn, Hàn Quốc hồi tháng 4 ký hợp đồng bán các bệ phóng tên lửa đa nòng với Ba Lan trị giá 1,6 tỉ USD. 2 năm trước, Seoul ký thỏa thuận bán vũ khí cho Warsaw trị giá lên tới 12,4 tỉ USD, trong đó gồm bệ phóng tên lửa, xe tăng, chiến đấu cơ hạng nhẹ và pháo tự hành.

Trong khi đó tại Trung Ðông, Hàn Quốc tăng cường quan hệ với Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hồi đầu năm nay, Riyadh ký hợp đồng mua Cheongung II, hệ thống tên lửa đất đối không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay ở độ cao 40km, từ Seoul trị giá 3,2 tỉ USD.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng tăng cường quan hệ với các nước Ðông Nam Á. Năm ngoái, Malaysia đã đặt mua 18 chiến đấu cơ FA-50 Block 20 của Hàn Quốc trị giá 920 triệu USD.

 TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết