10/06/2019 - 07:17

Ðảm bảo xử lý, chôn hủy heo bệnh, chết do dịch tả heo châu Phi đúng quy trình, an toàn vệ sinh môi trường 

(CT)- Sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, ngành thú y thành phố và các quận, huyện tập trung phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; đồng thời, xử lý, chôn hủy đàn heo bị bệnh, chết do dịch. Theo phản ánh của người dân, hiện tượng chôn hủy heo tại khu vực đất công tiếp giáp khu dân cư 923 (phường An Bình, quận Ninh Kiều) của ngành chức năng chưa đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Hố xử lý, chôn hủy heo chết do bệnh DTHCP theo đúng quy trình an toàn vệ sinh môi trường của ngành thú y TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Sau khi nhận được tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND phường Hưng Lợi đến hiện trường để xác minh làm rõ. Cụ thể: ngày 29-5-2019, được sự thống nhất của UBND quận Ninh Kiều, Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Ninh Kiều - Bình Thủy phối hợp với UBND phường Hưng Lợi, An Bình xử lý chôn hủy 1 con heo bị bệnh chết, khối lượng 36kg tại khu vực đất công tiếp giáp khu dân cư 923. Ngày 30-5-2019 tiếp tục xử lý chôn hủy 3 con heo, khối lượng 154kg của hộ bà Tạ Thị Bâu, số 1D, khu vực 2, phường Hưng Lợi. Do hộ này không có đất để chôn hủy, nên UBND Phường Hưng Lợi phối hợp với phường An Bình quyết định chọn địa điểm phù hợp và gần khu vực có ổ dịch để chôn hủy, tránh lây lan dịch bệnh.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, căn cứ các văn bản chỉ đạo, ngành thú y thành phố đã hướng dẫn xử lý chôn, hủy heo trong ổ dịch theo đúng quy định. Cụ thể, heo chết được cho vào bao ni lông dày, cột chặt để trên xe tải có thùng chứa và được khử trùng, tiêu độc trước, sau khi vận chuyển đến vị trí tiêu hủy. Hố chôn, xử lý heo chết ngày 29-5-2019 có độ sâu khoảng 1,5m, dài khoảng 1m, rộng khoảng 1m, chôn 1 con heo nặng 36 kg; hố chôn được tiêu độc, sát trùng, rải vôi và xử lý theo đúng quy định. Sau khi chôn, hố xử lý còn được lấp đất từ vị trí chôn heo cách mặt đất khoảng 1m chiều cao (có đắp mô nhằm tránh thoát tràn khi sụt lún), có tiêu độc sát trùng, rắc vôi lên bề mặt xung quang hố chôn. Hố chôn ngày 30-5-2019 có độ sâu khoảng 1,5m, dài khoảng 2m, rộng khoảng 2m, chôn 3 con heo nặng 154 kg và quy trình xử lý như trên… Đây là cách xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống dịch. Sở NN&PTNT thành phố cũng chỉ đạo ngành thú y tiếp tục giám sát hố chôn và thực hiện tiêu độc, khử trùng liên tục trong 7 ngày theo đúng quy định.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Để chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp chống, khống chế bệnh DTHCP kịp thời, có hiệu quả cao trên địa bàn quận Ninh Kiều, Sở NN&PTNT đề nghị UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo các cơ quan chức năng, công an và UBND phường tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các hố chôn hủy động vật bệnh, chết và hố chôn hủy tại khu vực đất công tiếp giáp khu dân cư 923; xử lý nghiêm các trường hợp xử lý heo chết sai quy định; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh DTHCP và tích cực phối hợp tốt với ngành thú y, cơ quan chức năng khi xử lý heo bệnh, chết; tuyên truyền, vận động người dân không ra vào ổ dịch và hố chôn động vật khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền để tránh lây lan và phát tán mầm bệnh; tiến hành rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi xử lý tiêu hủy heo và sản phẩm heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy đúng quy định của cơ quan chuyên môn…

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết