26/10/2020 - 09:45

Ðài Loan đau đầu trước bài toán nhân lực 

Trong bối cảnh dân số lần đầu dự kiến sẽ giảm trong năm nay, chính quyền Đài Loan đang triển khai một loạt biện pháp để duy trì năng suất lao động, từ chiêu mộ nhân tài nước ngoài, đào tạo lại lực lượng lao động lớn tuổi cho đến trợ cấp tiền nuôi giữ trẻ. 

Lao động Đài Loan trong giờ tan tầm. Ảnh: AP

Tương tự như các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản, Ðài Loan đang rất cần nguồn nhân lực có tay nghề cao để tăng cường lực lượng lao động đang dần thu hẹp của hòn đảo này. Một quan chức tại Hội đồng Phát triển Ðài Loan (NDC) lo ngại, một số khu vực sẽ thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Trong nửa đầu năm 2020, Ðài Loan ghi nhận 88.555 người qua đời và 79.760 ca sinh. Tổng số ca sinh trong năm nay dự kiến sẽ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 166.000 ca, mức thấp nhất kể từ năm 1980. Số ca sinh này dự kiến sẽ được duy trì cho đến năm 2043, sau đó giảm xuống dưới 150.000 ca/năm, giảm mạnh so với 413.000 trẻ được sinh ra vào năm 1980.

Tỷ lệ sinh hiện tại của Ðài Loan là 1,218 trẻ em/phụ nữ và tỷ lệ tăng trưởng dân số hằng năm là 0,27%. Do đó, NDC trong báo cáo mới đây dự báo, Ðài Loan sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2025, nghĩa là cứ 5 công dân sẽ có một người trên 65 tuổi. Và đến năm 2034, hơn một nửa dân số Ðài Loan ở độ tuổi trên 50. Trong khi đó, tạp chí Dân số Thế giới dự đoán dân số Ðài Loan sẽ tăng trưởng nhẹ nhưng không bền vững trong thập kỷ tới, từ 23,7 triệu người lên 24,1 triệu người vào năm 2030. Tuy nhiên, vào năm 2050, dân số Ðài Loan được dự đoán sẽ thu hẹp lại, với 22,7 triệu người. Còn đến năm 2090, con số này sẽ là 16,7 triệu người.

Những số liệu thống kê trên được xem là “hung tin” đối với lực lượng lao động Ðài Loan, đặc biệt là trong các ngành dệt may, sản xuất cao su và máy móc chính xác.

Trong bối cảnh trên, Ðài Loan đang thúc đẩy mô hình chung sống giữa các thế hệ, vừa có thể giúp người già, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở. Ðài Bắc cũng quan tâm không kém đến việc đảm bảo nguồn lao động chuyên môn cao để đảm nhận công việc quản lý, nghiên cứu và phát triển, cũng như các công việc về kỹ thuật. Theo chương trình nhập cư Thẻ Vàng được triển khai vào năm 2018, Ðài Loan mỗi năm cung cấp 2.000 thị thực để thu hút các chuyên gia đến làm việc tại vùng lãnh thổ này. Một nguồn thạo tin cho biết, số lượng đơn xin thị thực vào Ðài Loan tăng vọt trong năm nay trong bối cảnh người nước ngoài tìm cách thoát khỏi tình trạng phong tỏa ngay tại nước họ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, bởi Ðài Loan là một trong những trường hợp ứng phó với đại dịch thành công nhất thế giới khi chỉ ghi nhận 548 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Và để tăng cường lực lượng lao động, các nhà lập pháp Ðài Loan hồi tháng 11 năm ngoái đã thông qua quy định cho phép mở các khóa đào tạo việc làm cho những người trên 45 tuổi nếu họ không có việc làm hoặc không muốn nghỉ hưu; ngăn chặn tình trạng phân biệt tuổi tác vốn được biết đến là nguyên nhân gây áp lực buộc người lao động lớn tuổi phải nghỉ việc. Theo cuộc khảo sát được công bố hồi tháng 10-2019, 80% người lao động trên 45 tuổi cho biết họ từng bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trong khi 84% cảm thấy bị xem thường khi nộp đơn xin việc.

Trong khi đó, để thúc đẩy tỷ lệ sinh, chính quyền Ðài Loan trong năm tới sẽ tăng gấp đôi mức trợ cấp chăm sóc trẻ, từ 2.500 Ðài tệ (87 USD) hiện tại dành cho các hộ gia đình có con dưới 4 tuổi, đồng thời tìm cách gia tăng số lượng trường mẫu giáo công lập để phụ huynh giảm bớt chi phí gửi con vốn đắt đỏ ở các trường tư thục.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, CNA)

Chia sẻ bài viết