Trong “39 đoản thiền để thấy” (NXB Kim Đồng, 2023), nhà báo Phan Đăng ghi lại những cảm nhận về cuộc sống, con người bằng cách nhìn của thiền, với những triết lý nhân sinh gần gũi, dễ hiểu. Những trang viết giúp người đọc hiểu hơn về triết lý của đạo Phật và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống.
“Đoản thiền” là những đoạn văn ngắn được viết và nhìn bằng đôi mắt thiền. Với những tri thức và kiến giải của một người ham đọc, đặc biệt là nghiên cứu sâu về Phật giáo, thiền học, tác giả Phan Đăng chiêm nghiệm và rút ra những điều cần thiết cho bản thân trong hành trình quay vào bên trong, sống tỉnh thức. Thông qua 39 đoản thiền, tác giả dẫn dắt người đọc bước vào một hành trình cảm nhận, suy tư đầy sâu lắng với 5 chương: “Cất để thấy”, “Đi để thấy”, “Nhìn để thấy”, “Soi để thấy”, “Thấy để không thấy”.
Hàng loạt vấn đề về tâm tính được đặt ra như: làm thế nào để xóa tan cơn giận, xóa mầm đố kỵ hay loại bỏ định kiến ở trong ta, để bớt tính sân si hơn thua, bớt đau khổ, tìm về hạnh phúc… Từng bước, tác giả giúp người đọc soi rọi, nhìn lại bản thân, hành vi, cách cư xử, suy nghĩ để “cho tâm trí một cơ hội”. Đó là: “Nghe tiếng nói của tâm trí, làm theo tiếng nói của tâm trí, dũng cảm bước vào cánh cửa của chính mình, đối mặt với chính mình là một con đường tỉnh thức” (trang 101).
Một ví dụ điển hình là chị bạn doanh nhân của tác giả tâm sự về việc trong đầu chị tràn ngập những định kiến về chồng, con, đồng nghiệp, cấp dưới, bạn bè… khi họ để lại ấn tượng xấu cho chị. Những định kiến đó như những cái đinh ghi sâu vào não chị, rất khó để nhổ ra. Điều đó làm chị mệt mỏi, khó khăn trong giao tiếp, trong cuộc sống. Tác giả đã khuyên chị thực hiện một phương pháp mà anh đã thực hành hiệu quả. Đó là tập ngồi tĩnh lặng 10 phút mỗi ngày. Trong 10 phút ấy, hãy gom toàn bộ tâm trí mình vào hình ảnh một đại dương mênh mông. Hãy nghĩ não tôi là một đại dương chứ không phải là một bức tường hay bức vách. Người ta chỉ có thể đóng đinh vào một bức tường chứ không thể đóng vào đại dương. Bức tường khô cứng, bó hẹp, đại dương mềm mại, bao la. Mượn đại dương để chú tâm, những cái đinh trong não chị chìm nghỉm lúc nào không biết. Sau vài tháng, chị ấy đã thay đổi và không còn những định kiến (“Cái đinh trong não”).
Từ những trải nghiệm của bản thân tác giả, của những người xung quanh và những lời khuyên của những bậc chân tu…, độc giả có thể cảm nhận, rút ra cho mình những bài học, để thực hành tỉnh thức. Theo tác giả, có một thực tế là ngày nay, phần lớn mọi người mải mê kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, để có căn nhà to đẹp, đầy đủ tiện nghi, nhưng lại quên mất phải xây dựng cho mình “một ngôi nhà tinh thần” vững chắc, dẫn đến việc tâm luôn không yên, sống không thấy đủ và hạnh phúc. Do đó, anh đưa ra lời khuyên qua bài viết “3 chữ “bình” cho nhà mình”. Đó là: bình tĩnh trước sự thành công của người khác; bình tĩnh trước sự thành công của chính mình; cuối cùng là bình tĩnh trước sự vô thủy, vô chung của đời người, vô cùng vô tận của nghiệp số…
Bên cạnh đó, tác giả đã đặt mình ở vị trí nhiều nhân vật, sự vật để chậm rãi nghĩ suy, đối sánh. Có khi là một cơn mưa, một chiếc lá, một cành hoa hay mặt trời… để thấy những mối liên hệ và tìm ra niềm vui, hạnh phúc và trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống. Trên hết là thấu hiểu và tiến gần hơn những giá trị của “Chân - Thiện - Mỹ”.
CÁT ĐẰNG