24/12/2007 - 09:03

Xung quanh chuyến thăm Afghanistan của hai nhà lãnh đạo Pháp và Australia

Không lâu sau chuyến thăm chớp nhoáng đến Afghanistan của Thủ tướng Anh Gordon Brown và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Australia Kevin Rudd lại bất ngờ đến thăm quốc gia Nam Á này. Cũng như Anh, cả Pháp và Australia đều khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ Afghanistan chống khủng bố trong bối cảnh đất nước này vừa trải qua năm bạo lực đẫm máu nhất từ khi chế độ Taliban sụp đổ năm 2001.

Tổng thống Nicolas Sarkozy (trái) và Tổng thống Hamid Karzai. Ảnh: Reuters 

Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Rudd đã có các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo Afghanistan và Tướng Dan McNeill, Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) của NATO tại Afghanistan. Ông Sarkozy cho biết chuyến thăm này là để đánh giá chính xác tình hình Afghanistan, trước khi Paris đưa ra “một số quyết định” trong vài tuần tới, trong đó có khả năng tăng thêm binh sĩ tới huấn luyện cho cảnh sát và quân đội Afghanistan. Pháp hiện có khoảng 1.300 quân phục vụ cho ISAF. Mặc dù năm ngoái, Pháp tuyên bố rút 200 binh sĩ tinh nhuệ trong lực lượng đặc nhiệm về nước, nhưng với những cam kết hỗ trợ của Tổng thống Sarkozy, rõ ràng việc Paris rút bớt quân khỏi chiến trường Afghanistan sẽ không sớm xảy ra.

Trong khi đó, trạm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Australia Kevin Rudd khi đến Afghanistan là tỉnh Uruzgan, nơi đồn trú của phần lớn trong số 900 binh sĩ Australia đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan, trước khi đến Thủ đô Kabul. Sau cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Hamid Karzai, ông Rudd cam kết quân đội Australia sẽ ở lại Afghanistan lâu dài và trong 2 năm tới, Canberra góp thêm 110 triệu USD hỗ trợ Afghanistan tái thiết đất nước.

Việc các nước đồng minh của Mỹ cam kết tăng cường trợ giúp chính quyền Tổng thống Karzai cho thấy sự lo ngại của họ trước sự trỗi dậy trở lại của tàn quân Taliban. Thủ tướng Rudd cảnh báo NATO và các đồng minh sẽ thất bại trong cuộc chiến này nếu không gấp rút thay đổi chiến thuật. 6 năm sau khi Taliban sụp đổ, công tác hỗ trợ cho cuộc chiến ở Afghanistan ngày càng giảm sút. Canada, Đức và Hà Lan cho biết sẽ rút quân vào năm 2010, để lại khoảng trống lớn cho các thành viên khác của NATO. Khoảng 6.300 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Afghanistan từ đầu năm đến nay, trong đó phần đông là lực lượng nổi dậy, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của Taliban suy giảm, nếu không muốn nói là đang có xu hướng mạnh lên. Trong khi đó, các vụ thảm sát “nhầm” vào dân thường của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu diễn ra thường xuyên ở Afghanistan khiến cho người dân ngày càng căm phẫn các “vị khách không mời mà tới”.

Trong cuộc họp báo cuối năm ở Lầu Năm Góc hôm 21-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tiếp tục hối thúc các đồng minh NATO thực hiện cam kết tăng quân và trang thiết bị cho chiến trường Afghanistan, và không loại trừ khả năng Mỹ sẽ điều thêm quân vào đất nước Nam Á này trước xu thế bạo lực đang gia tăng tại đây.

N.MINH (Theo AFP, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết