|
Ảnh: Reuters
|
Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu 4 ngày bắt đầu từ 5-5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã có cuộc thảo luận với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen tại Brussels (Bỉ) về nhiều vấn đề quan trọng như cuộc chiến Afghanistan, hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và quan hệ với Nga. Một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp này, người đứng đầu liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đã tuyên bố rằng việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu có thể sẽ được quyết định tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 11 tới. Kinh phí cho dự án này dự kiến chưa tới 200 triệu euro và được xây dựng trong hơn 10 năm. Ông Rasmussen cho rằng đây là cái giá quá rẻ nếu so với hiệu quả của nó: che chở cho tất cả công dân châu Âu trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công tên lửa trong tương lai, nhất là của Iran.
Theo Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin, một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy hiện chỉ có Nga và Mỹ đủ khả năng triển khai. Vì thế, gọi là hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO chứ thực chất đây là kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa của Mỹ tại Trung và Đông Âu. Theo các nhà phân tích chiến lược, hệ thống phòng thủ tên lửa này là một trong những yêu cầu mới của Washington đối với tất cả các đồng minh châu Âu trong NATO. Trước khi đến Brussels, ông Biden có bài viết đăng trên tờ International Herald Tribune nói về những thành tựu đạt được của NATO trong suốt hơn 6 thập niên qua, đồng thời nhấn mạnh tổ chức quân sự từ thời Chiến tranh lạnh này cần phải thay đổi cơ cấu để thích ứng với những thời cơ và thách thức trong kỷ nguyên mới. Theo cảnh báo của ông Biden, không có quốc gia châu Âu nào ngày nay đủ khả năng miễn nhiễm trước các “mối đe dọa vô cùng nguy hại mới” như vũ khí hủy diệt hàng loạt, tin tặc, khủng bố và tội phạm có tổ chức. Những thách thức mới như vậy là lý do để Mỹ và châu Âu duy trì và phát triển chứ không giải thể NATO như mong muốn của dư luận quốc tế, trong đó có cả người dân các nước NATO. Có điều phát triển lá chắn tên lửa tại châu Âu sẽ gây khó chịu cho Nga, nên NATO và Mỹ đã đánh tiếng mời Nga tham gia hệ thống này. Mát-xcơ-va đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác như là một phần trong cơ cấu an ninh mới của cả châu Âu, nhưng người ta tin rằng điều này rất khó xảy ra. Nga muốn cơ cấu an ninh mới chỉ do người châu Âu, chứ không phải Mỹ đảm trách.
Sau cuộc thảo luận với ông Rasmussen, Phó Tổng thống Biden có bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện châu Âu (EP - ảnh). Ông Biden là quan chức cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm EP kể từ năm 1984, điều này cho thấy Nhà Trắng đang tìm cách thuyết phục các nhà lập pháp châu Âu ủng hộ những vấn đề hệ trọng nào đó. Thực tế là tháng 2 vừa qua, các nhà lập pháp châu Âu đã cản trở một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các thông tin từ hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng nhằm theo dõi nguồn tài chính bẩn.
Sau Bỉ, ông Biden bay sang Tây Ban Nha, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), để thảo luận với Thủ tướng Jose Zapatero về những nỗ lực của Washington trong việc tìm kiếm một hiệp định mới cho phép Mỹ quyền tiếp cận các thông tin cá nhân của công dân châu Âu bị nghi ngờ liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế đang ngày càng lan rộng.
KIẾN HÒA
(Theo AFP, Reuters, DPA)