22/04/2022 - 23:23

Xung đột Nga - Ukraine “phủ bóng đen” lên cuộc họp của các lãnh đạo tài chính IMF 

* Mỹ kêu gọi cải tổ sâu rộng WB

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21-4 đã kết thúc cuộc họp thường kỳ 6 tháng mà không đưa ra tuyên bố chung.

Đại biểu đến dự các cuộc họp của IMF và WB tại Washington, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Đại biểu đến dự các cuộc họp của IMF và WB tại Washington, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo hàng loạt các biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa phương Tây và Mát-xcơ-va đã gây nguy hiểm cho sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và đe dọa hợp tác toàn cầu. Thay vì ra tuyên bố chung như thường lệ, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino, hiện là chủ trì Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế, chỉ cho biết các vấn đề về hoạt động của thể chế này được nêu ra trong cuộc họp đã nhận được sự ủng hộ của “đa số” 189 thành viên. 

Trao đổi với báo giới khi cuộc họp kết thúc, Bộ trưởng Calvino thừa nhận cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến IMF không thể đi đến thống nhất về một thông cáo chung. Theo bà Calvino, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương “đã kêu gọi ngừng xung đột” và bày tỏ lo ngại về tác động kinh tế “vượt ra ngoài các nước láng giềng và có phạm vi toàn cầu”. Bà nhấn mạnh giờ là lúc nêu cao tinh thần chủ nghĩa đa phương và đối phó với bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau, vững vàng và thể hiện cam kết hợp tác đầy đủ. 

Căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng thế giới lên cao ngất ngưởng, thúc đẩy lạm phát vốn đã gia tăng, và khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu còn xuống 3,6% trong năm nay. Tình hình này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực và nợ trong bối cảnh nguồn cung ngũ cốc giảm và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chuyên gia kinh tế cấp cao IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế. IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.

* Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 21-4 đã kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) cần tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng để thích nghi với bối cảnh mới. 

Phát biểu với các phóng viên, bà Yellen cho rằng cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB không được thiết kế để ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu đa tầng hiện nay, gồm tác động của xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19, cũng như thiếu nguồn lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo bà, chức năng của IMF, với nguồn lực cho vay khoảng 1.000 tỉ USD, là hỗ trợ các nước ứng phó với các cuộc khủng hoảng riêng biệt, trong khi WB được thành lập để cấp vốn cho các dự án phát triển ở những nước thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định thế giới đang đối mặt với những thách thức đòi hỏi những khoản đầu tư ở quy mô mà không một thể chế quốc tế nào có thể tự mình quản lý được. Một ví dụ là vấn đề biến đổi khí hậu, khi các khoản đầu tư luôn là hàng ngàn tỉ USD.

Dù cho biết không thể khẳng định những cải cách nào là cần thiết để mở rộng quy mô các thể chế này, song theo bà Yellen, IMF và WB phải có khả năng tập hợp các nguồn vốn tư nhân lớn. Ngoài ra, các thể chế tài chính quốc tế này cùng cần có năng lực tốt hơn để cung cấp “những hàng hóa công”, như các cơ sở y tế cộng đồng được cải thiện để ứng phó với đại dịch trong tương lai. Yêu cầu này có thể khiến phải điều chỉnh phạm vi thẩm quyền của WB.  

Trong phát biểu của mình, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bà Yellen, đồng thời tin tưởng mô hình hoạt động của WB, vốn quan tâm nhiều đến duy trì đánh giá tín nhiệm AAA, không còn phù hợp để thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu. Ông Singh nhấn mạnh giờ thực sự là thời điểm xây dựng lại hình ảnh và cải tổ nhiệm vụ và mô hình hoạt động của WB.

LAN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết