Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên ôtô và các loại xe tương tự như ôtô: phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với một trong các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ đi trên phần đường dành cho xe thô sơ. Phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng. Người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn bị phạt từ 4-6 triệu đồng. Đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ bị phạt từ 7-8 triệu đồng.

Đội cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều phối hợp Quận đoàn kiểm tra giấy tờ xe người dân tham gia giao thông. Ảnh: KIỀU CHINH
Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-60 ngàn đồng đối với hành vi không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định; dừng xe đột ngột, chuyển hướng không báo hiệu trước; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô, điện thoại di động. Phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy" không cài quay đúng quy cách khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 100-400 ngàn đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường giao thông; sử dụng bàn trượt, pa-tanh trên phần đường xe chạy. Phạt đến 800 ngàn đồng đối với hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị, để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông. Đối với hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu cũng bị phạt từ 500 ngàn-2 triệu đồng.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt đến 800 ngàn đồng đối với cá nhân, tổ chức chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe, bày, bán hàng hóa, để vật liệu xây dựng.
Phạt tiền từ 80-100 ngàn đồng đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy có hành vi: điều khiển xe không có còi, đèn soi biển số, đèn báo hãm, gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định, biển số không rõ chữ, số, biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng.
Nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách đi xe là người cao tuổi, trẻ em không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác; không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-60 ngàn đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014 và thay thế các Nghị định: 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34
PHƯƠNG DUNG