28/10/2020 - 16:11

Xử lý khủng hoảng truyền thông về đạo đức công vụ 

PGS-TS NGUYỄN VĂN DỮNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Trong những năm gần đây, việc gia tăng các sự việc liên quan đến đạo đức công vụ “gây bão truyền thông” đã buộc các cơ quan, tổ chức phải quan tâm đến vấn đề quản trị truyền thông. Một trong những yêu cầu được đặt ra là truyền thông phải góp phần tăng cường giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nhưng đồng thời cũng phải gìn giữ hình ảnh cho các cơ quan, tổ chức.

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện_Ảnh: Vietnam+

1 - Vấn đề quản trị khủng hoảng và quản trị truyền thông trong khủng hoảng cũng như khái niệm truyền thông ở Việt Nam mới được làm quen khoảng hai mươi năm trở lại đây, khi các cơ quan, tổ chức trong hệ thống ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ với công chúng xã hội, với nhân dân… Đây là sự tiến bộ góp phần vào quá trình phát triển bền vững.

Báo chí có khả năng, sức mạnh chi phối khuynh hướng xã hội. Vị thế và vai trò của báo chí Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng bởi nền tảng kỹ thuật - công nghệ số. Những nền tảng này đã tạo ra một môi trường truyền thông đa dạng, trong đó hệ sinh thái truyền thông online với mạng xã hội phát triển trở thành “sân chơi” gây nhiều ảnh hưởng tới công chúng xã hội Việt Nam.

Thời gian qua, một số vụ, việc liên quan đến đạo đức công vụ khiến báo chí, mạng xã hội “nóng” lên, nhiều sự việc lại không được giải quyết nhanh gọn, kéo dài nhiều tháng gây nên khủng hoảng truyền thông. Vấn đề đặt ra, đang được quan tâm ở đây là các sự kiện và khủng hoảng rồi sẽ trôi qua, nhưng cái đọng lại chủ yếu là được hay mất niềm tin xã hội, uy tín, quyền uy của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong mắt người dân. Bởi, nó không như khủng hoảng trong lĩnh vực kinh doanh là mất tiền, mất thị trường - những thứ có thể kiếm tìm hay phục hồi trong nay mai. Bởi, mất niềm tin là mất tất cả.

Các hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị đều cần phải tuân thủ hai hệ quy chiếu: pháp luật và đạo đức công vụ. Về pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép làm những điều pháp luật cho phép. Về đạo đức, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tuân thủ các chuẩn mực giá trị đạo đức công dân, phải làm gương trước công dân và cộng đồng xã hội, đồng thời phải thực thi đạo đức công vụ của ngành, nghề mà họ theo đuổi. Cán bộ, công chức là “đội quân rường cột quốc gia”, “được dân nuôi”, được thực hiện “quyền ủy quyền” do nhân dân trao cho, phương châm hoạt động được Đảng và Nhà nước xác lập là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên mọi hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nhân dân theo dõi, giám sát. Và trong những năm qua, phương tiện và phương thức giám sát xã hội mà công dân và cộng đồng sử dụng chủ yếu và có hiệu quả nhất là báo chí - truyền thông, trong đó có mạng xã hội.

Trong xã hội, mỗi ngành nghề yêu cầu chủ thể những phẩm chất và cách thức ứng xử đặc trưng, do xã hội đòi hỏi và tự hình thành cơ chế kiểm soát. Về đạo đức công vụ, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”(1). Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ, như Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, 2018, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan (ban hành theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 8-9-1998, của Chính phủ)... Có thể nói, hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến thực thi công vụ, về cơ bản đã tương đối đầy đủ. Nhưng, những vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh môi trường truyền thông số và mạng xã hội phát triển. Do đó, vấn đề ở đây là khi xảy ra khủng hoảng do truyền thông hay thực sự có khủng hoảng truyền thông liên quan đến đạo đức công vụ đều phải quản trị bằng cả “biện pháp cứng” (các quy định pháp luật) và cả các “biện pháp mềm” (giáo dục ý thức tự giác,…).

Các giá trị đạo đức nói chung và đạo đức công vụ nói riêng vốn do cộng đồng và dư luận xã hội tạo dựng, nuôi dưỡng và kiểm soát. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, vấn đề đạo đức càng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Khi sự kiện xảy ra liên quan đến đạo đức công vụ thì luôn mang sức nóng, sức hấp dẫn đối với dư luận xã hội, đặc biệt được truyền thông xã hội chú ý, soi chiếu. Đây là cơ hội tốt để các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị sử dụng truyền thông xã hội, mạng xã hội và báo chí để kiểm soát các chuẩn mực công vụ đã được ban hành; sử dụng giám sát xã hội để giám sát quá trình thực thi công vụ nhằm cải thiện hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, gây dựng niềm tin của người dân với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bộ máy chính quyền trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức trong việc giữ gìn hình ảnh đối với các cơ quan, tổ chức. Nếu để truyền thông tập trung quá mức cần thiết, nhất là theo chiều hướng tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan, tổ chức. Xét cho cùng, quản trị tốt truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh có khủng hoảng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là nhiệm vụ tự thân của chính các cơ quan, tổ chức, của chính từng cán bộ, công chức. Ngày nay, với xu thế phát triển chung, chúng ta không thể coi nhẹ, không thể không chăm lo, xử lý tốt mối quan hệ với công chúng xã hội/khách hàng và nhân dân nói chung. Mối quan hệ hết sức quan trọng và ý nghĩa này đang được nâng tầm thông qua báo chí - truyền thông.

Cần tổ chức họp báo, cung cấp thông tin chính thức cho báo chí, truyền thông để ngăn ngừa các luồng ý kiến lệch lạc, xuyên tạc, bất lợi cho tâm lý và tâm trạng xã hội (Trong ảnh: Họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh)_Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn

2- Để giải quyết khủng hoảng truyền thông về đạo đức công vụ một cách căn cơ, cần hệ thống giải pháp đồng bộ từ bên trong thể chế, nhất là vấn đề pháp trị cho đến các “vành đai” kiểm soát xã hội, thông qua giám sát xã hội và phản biện xã hội của nhân dân. Cụ thể:

Thứ nhất, cần nhận định đúng và trúng tính chất, nguyên nhân xảy ra sự kiện, vấn đề mấu chốt đang gây “nóng” dư luận; tránh nhận thức chủ quan, duy ý chí, áp đặt hay nể nang, tìm cách bao che; cần phân tích khu vực và hướng tác động, ảnh hưởng của sự kiện gây khủng hoảng để có phương án khoanh vùng, hạn chế, đi đến dập tắt khủng hoảng. Tổ chức rút kinh nghiệm và khôi phục tình trạng ban đầu. Đây là việc không dễ, càng phức tạp và khó khăn hơn trong bối cảnh lợi ích nhóm dễ thao túng.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước sau khi nhận định, đánh giá một cách nghiêm túc, nắm bắt thông tin một cách toàn diện, cần tổ chức họp báo, cung cấp thông tin chính thức cho báo chí truyền thông để ngăn ngừa các luồng ý kiến lệch lạc, xuyên tạc, bất lợi cho tâm lý và tâm trạng xã hội. Trong phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí - truyền thông, cần tuân thủ nguyên tắc nói nhanh, nói hết và nói đúng. Nói nhanh để chiếm lĩnh diễn đàn và có cơ hội chi phối dư luận. Nói hết là không giấu thông tin liên quan đến sự kiện gây khủng hoảng. Nói đúng là để tạo sự chia sẻ, thể hiện thái độ chân thành, nhận trách nhiệm với công chúng xã hội. Thực tế vừa qua một số sự kiện gây “bão” không những xử lý chậm trễ, còn xử lý sai lệch đã tạo ra “vòng xoáy im lặng” tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Người lãnh đạo đứng đầu với những yêu cầu trách nhiệm cơ bản là tạo dựng niềm tin xã hội, thuyết phục công chúng và nhân dân bằng uy tín, niềm tin và sự tôn trọng thực tế luôn phải đặc biệt chú ý yếu tố này. Quản trị khủng hoảng truyền thông có thể là "cơ hội vàng" cho người lãnh đạo nhưng cũng có thể là cái bẫy nhấn chìm uy tín của họ.

Thứ ba, quản trị nội bộ tốt, tức là các cơ quan phải nhanh chóng nhận ra sai sót (nếu có), không né tránh sự thật, không tìm cách bao che cho nhau, cần nghiêm khắc kiểm điểm, nhận sai sót trước tổ chức; từ đó cầu thị và chân thành sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, phê bình và tự phê bình cần phải làm như rửa mặt hằng ngày và phải công khai cho mọi người biết để cùng rút kinh nghiệm. Đây là vấn đề quản trị khủng hoảng.

Thứ tư, đặc tính chung của khủng hoảng là sự kiện xảy ra bất ngờ, thậm chí không ngờ, gây căng thẳng, tạo tâm điểm thu hút, mất kiểm soát thông tin, gây xáo trộn nhận thức và thường có xu hướng tác động xấu đến các mối quan hệ hiện tồn, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của công dân/công chúng/khách hàng và xã hội nói chung. Trong bối cảnh môi trường truyền thông số và mạng xã hội, những rủi ro và tác động xấu của khủng hoảng càng gia tăng theo cấp số nhân, do vậy để xử lý được khủng hoảng thì các cơ quan quản lý trước hết phải làm chủ được công nghệ, biết cách thiết lập quan hệ truyền thông trên mạng xã hội và quản trị quan hệ trên mạng xã hội; đồng thời khi có khủng hoảng xảy ra chú ý xử lý các nguồn tin và địa chỉ trên mạng xã hội nhanh và hiệu quả.

Thứ năm, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cần quan tâm thiết lập, phát triển mối quan hệ với cộng đồng, với nhân dân thông qua báo chí - truyền thông xã hội, coi đây là việc quan trọng trong quan hệ với quần chúng nhân dân; bảo đảm quyền được biết, được thông tin và quyền tiếp cận thông tin của nhân dân theo luật định. Quan điểm, thái độ và cung cách ứng xử trong quan hệ với cộng đồng chính là đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Thứ sáu, giải pháp quan trọng nhất là thường xuyên chăm lo sinh hoạt nội bộ cơ quan/tổ chức để giáo dục cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan; tăng cường kỷ luật và phát huy dân chủ nội bộ để bảo đảm đạo đức công vụ được quán triệt, nhắc nhở, thực hiện thường xuyên.

---------------------------------

(1) Điều 8, khoản 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết