19/03/2021 - 08:21

Xét nghiệm COVID-19 qua bã nhờn 

Hiện tại, phương pháp tin cậy duy nhất để xét nghiệm COVID-19 là dùng tăm bông hoặc gạc lấy mẫu dịch ở sâu trong hốc mũi hoặc cổ họng, thường gây đau đớn cho người được xét nghiệm. Các chuyên gia tại Ðại học Surrey (Anh) mới đây phát hiện ở người mắc COVID-19, virus Corona đã làm thay đổi bã nhờn trên da nên có thể  sử dụng nó để tầm soát nguy cơ nhiễm bệnh.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu bã nhờn ở phần da lưng trên của 67 bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6-2020, trong đó có 30 người được chẩn đoán mắc COVID-19 và 37 người có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh này. Bằng cách xem xét nồng độ lipid khác nhau có trong mẫu bã nhờn, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện trường hợp dương tính với độ nhạy 57% và độ đặc hiệu 68%. Sau khi xem lại phân tích và tính đến bệnh nền của các đối tượng (như béo phì, huyết áp cao hoặc các vấn đề sức khỏe khác), tỷ lệ chẩn đoán được cải thiện tương ứng là 79% và 83%.

Ðược biết, độ nhạy là thước đo cho thấy một xét nghiệm có hiệu quả ra sao trong việc tìm ra các trường hợp dương tính và độ nhạy càng cao nghĩa là khả năng xét nghiệm cho ra kết quả âm tính giả sẽ càng thấp. Còn độ đặc hiệu được dùng để đánh giá xem liệu một xét nghiệm có hiệu quả ra sao trong việc phát hiện các trường hợp âm tính, tức là độ đặc hiệu cao thì kết quả dương tính giả sẽ ít hơn.

HUY MINH (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết