15/02/2008 - 21:22

Xe đạp điện, xe máy điện "lên ngôi"

Gần đây, sức tiêu thụ xe đạp điện, xe máy điện ở TP Cần Thơ tăng mạnh hơn hẳn so với những tháng trước. Giá xăng dầu ngày càng tăng và trở nên đắt đỏ nên xe đạp điện, xe máy điện là giải pháp tiết kiệm, tiện lợi và phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng. Thị trường sôi động, nguồn hàng về nhiều hơn, phong phú chủng loại, mẫu mã và kiểu dáng đa dạng.

* ĐA DẠNG SẢN PHẨM

Những năm trước đây, khi xe đạp điện, xe máy điện mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam do giá bán còn quá cao, chất lượng xe và bình sạc chưa được kiểm chứng thực tế nên chưa thuyết phục được người tiêu dùng. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, rất khó thay đổi tâm lý gắn bó với những chiếc xe máy sang trọng để chuyển sang sử dụng xe đạp, xe máy điện. Tuy nhiên, từ khi giá xăng ngày càng đắt đỏ, nhất là khi có lệnh cấm học sinh (từ 18 tuổi trở xuống) điều khiển xe gắn máy, thị trường xe đạp điện, xe máy điện mới có cơ hội phát triển.

Tại nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện ở TP Cần Thơ bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại với sự xuất hiện của nhiều nhãn hiệu như: Delta, E-Bike, Viha, E-GO, Bluewing, Emperor, Robo, Plasma, Asama, Emoto, Hitasa, Songtian... Ngoài các loại xe do các doanh nghiệp liên doanh trong nước sản xuất còn có xe nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc xe đã qua sử dụng nhập từ Nhật Bản.

Tại cửa hàng Liang Triệu (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), lượng khách hàng đến mua nhiều nhất là những người già, phụ nữ, học sinh... Ưu điểm của xe đạp điện là thích hợp sử dụng trong điều kiện ở nơi có mặt đường bằng phẳng và đi lại ở phạm vi hẹp. Kích thước và trọng lượng của xe đạp điện khá gọn nhẹ (khoảng 28-35 kg/chiếc), có thể chạy bằng điện hoặc đạp bình thường như xe đạp truyền thống. Mỗi lần nạp điện có thể chạy được khoảng 40-60km và đạt tốc độ tối đa khoảng 20-30km/giờ. Hiện nay, giá bình ắc-quy cho xe đạp điện, xe máy điện còn khá cao, khoảng 700.000-800.000 đồng/bình. Vì vậy, để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, người sử dụng nên nạp điện hằng ngày, kể cả khi không chạy. Nếu một ắc-quy bị hư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ắc-quy còn lại, quãng đường chạy của xe sẽ giảm xuống và phải thay tất cả bình, rất tốn kém.

So với xe đạp điện, xe máy điện có công suất lớn hơn, do đó tốc độ cao hơn, quãng đường đi khoảng 70-75km, thời gian sạc khoảng 3 giờ, trọng lượng xe khoảng 50 kg/chiếc và có tải trọng đến 170kg. Trên thị trường, xe máy điện có kiểu dáng, thiết kế nhái theo loại xe gắn máy tay ga và có hộc đựng đồ khá rộng dưới yên, khá tiện lợi để đựng nón bảo hiểm hoặc những vật dụng khác.

xe đạp điện, xe máy điện đang được bày bán nhiều tại thị trường TP Cần Thơ.

Xét về bề ngoài, những chiếc xe máy điện hiện nay được thiết kế khá bắt mắt, có nhiều màu sắc bắt mắt so với xe gắn máy thông thường. Xe cũng được lắp vành đúc và giảm xóc như xe máy chạy động cơ xăng, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy mặt đồng hồ nhìn không nét, còn các chi tiết mạ cũng không được sáng. Tuy nhiên, loại xe máy điện cũng có nhiều bất tiện vì không có bàn đạp nên mỗi khi hết điện bắt buộc phải xuống dắt bộ.

* HÚT HÀNG

Mặc dù, xe đạp điện, xe máy điện đã có mặt tại thị trường Việt Nam khoảng 4-5 năm nay nhưng mới được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian gần đây. Một phần bởi giá xăng dầu còn rẻ và thị hiếu khách hàng đã quen sử dụng xe gắn máy từ trước đến nay... Vài tháng trở lại đây, sức tiêu thụ tăng cao, lượng hàng về nhiều nên những loại xe này xuất hiện khá nhiều trên các tuyến đường của thành phố. Xe đạp điện, xe máy điện hiện đã trở nên quen thuộc và hữu ích đối với người tiêu dùng và đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối tượng học sinh các trường phổ thông.

Không còn sốt khan hàng như những tháng cao điểm của mùa tựu trường nhưng sức tiêu thụ tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện vẫn tăng mạnh. Theo anh Liang Triệu, chủ cửa hàng Liang Triệu, trung bình một tháng cửa hàng này bán ra thị trường khoảng 200 chiếc xe các loại. Trong đó, ưu chuộng nhất vẫn là xe đạp điện do giá bán rẻ hơn so với xe máy điện.

Nhận rõ ưu điểm và tiềm năng thị trường của xe đạp điện, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đã hào hứng vào cuộc, sản xuất và kinh doanh mặt hàng này, hy vọng các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện sẽ sớm định vị trong tâm trí người tiêu dùng. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều các loại xe đạp, xe máy điện như: Delta, Greenbike, Thống Nhất, Hitasa... của các doanh nghiệp liên doanh trong nước như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân, Công ty TNHH Quốc Tế Minh Việt, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ lắp máy miền Nam... Giá bán các loại xe đạp điện cũng khá cạnh tranh so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, dao động từ 3,7-4,6 triệu đồng/chiếc. Loại xe máy điện có giá bán cao hơn, khoảng 7,5 triệu đồng/chiếc đến trên dưới 10 triệu đồng/chiếc.

Theo đánh giá của một số người tiêu dùng, ngoài việc không gây ô nhiễm môi trường do chạy bằng điện, giá xe cũng phù hợp với túi tiền, những loại xe này vẫn đạt vận tốc khá nhanh, tiết kiệm được chi phí mua nhiên liệu... Bởi nếu sử dụng xe gắn máy, chạy 100km thì mất ít nhất 15.000 đồng tiền xăng, trong khi đó với xe đạp điện chỉ mất một khoản tiền khá nhỏ (khoảng 1.000 đồng) cho mỗi lần nạp điện. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số người đã sử dụng loại xe này cho biết, chỉ nên chở khoảng 2/3 trọng tải cho phép để tránh máy bị ì và tốn điện. Thậm chí nếu chở quá nặng sẽ dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra như: đứt thắng, gãy giảm xóc...

Anh Lê Văn Thắng, một khách hàng đang chọn mua xe máy điện tại Metro Hưng Lợi, nói: “Ở TP Cần Thơ, mật độ xe gắn máy lưu thông trên đường ngày càng gia tăng, lượng khí thải, khói bụi thải ra nhiều, giá xăng càng trở nên đắt đỏ nên mua xe máy điện vừa giúp tiết kiệm vừa có lợi cho môi trường”.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết