ANH PHƯƠNG (thực hiện)
Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ đã tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động; chủ động kết nối các dự án, đề án để chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCÐB). Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, cho biết:
- Năm 2022, Trung tâm bắt đầu khởi động sau thời gian dài tạm dừng do dịch bệnh nên nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện nổi bật. Cụ thể, Trung tâm triển khai Dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024”, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các gia đình, phụ huynh tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Tổ chức chương trình vui Tết Trung thu, họp mặt Xuân Quý Mão cho trẻ em tại Trung tâm, hội viên câu lạc bộ Tuổi hồng, cơ sở trợ giúp xã hội... với các hoạt động tạo sân chơi vui vẻ, ý nghĩa; nhân rộng thêm 3 câu lạc bộ Tuổi hồng tại quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, Phong Ðiền. Trung tâm quan tâm, tạo điều kiện để viên chức, người lao động tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả CTXH.
► Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các đề án, dự án bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?
- Trung tâm đang triển khai thực hiện Ðề án “Mô hình hòa nhập xã hội cho trẻ em, thanh, thiếu niên tại Trung tâm CTXH TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”. Ðề án tập trung cung cấp các dịch vụ CTXH: học chữ, trang bị kỹ năng sống, vui chơi giải trí, chăm sóc y tế, giấy tờ tùy thân, đào tạo nghề, tạo việc làm... Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án “Hỗ trợ học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2022-2024” (giai đoạn 3) do Tổ chức Dillon International (DI) Mỹ tài trợ, với 50 em ở huyện Vĩnh Thạnh và 50 em ở huyện Cờ Ðỏ. Thực hiện Dự án giai đoạn 1 (2017-2019) và giai đoạn 2 (2019-2021) cho thấy, hầu hết trẻ sử dụng học bổng đúng mục đích, không bỏ học giữa chừng, có tiến bộ trong học tập, rèn luyện.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục các kỹ năng cho trẻ có HCÐB rất cần thiết. Trung tâm hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường phát triển toàn diện, phù hợp và hòa nhập xã hội an toàn cho trẻ em trong tương lai. Mỗi nhóm trẻ em, mỗi trẻ em đều có những vấn đề cần hỗ trợ, can thiệp. Mỗi dự án, đề án sẽ tiếp cận và giải quyết cơ bản các vấn đề trẻ em HCÐB đang gặp phải.
► Trung tâm triển khai các hoạt động trọng tâm nào trong năm 2023, thưa ông?
- Năm 2023, Trung tâm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể về việc cung cấp dịch vụ CTXH. Ðối với dịch vụ CTXH cho đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm sẽ đảm bảo chất lượng chăm sóc, dinh dưỡng để phát triển thể chất và tinh thần. Nhóm trẻ em không có vấn đề bệnh lý tâm thần, bại não được cung cấp dịch vụ phù hợp, hướng đến hòa nhập xã hội khi trưởng thành. Ðối với dịch vụ CTXH cho trẻ em HCÐB ngoài cộng đồng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình CTXH trong trường học (câu lạc bộ Tuổi hồng), hỗ trợ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển mạng lưới tình nguyện viên tại cơ sở. Ðặc biệt, mô hình can thiệp sớm cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ sẽ tập trung xây dựng, nâng chất đội ngũ giáo viên; truyền thông đến cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, giúp phụ huynh phát hiện sớm để hỗ trợ, can thiệp sớm cho trẻ. Trung tâm hoạch định xây dựng mô hình dịch vụ chăm sóc tự nguyện tại Trung tâm và chăm sóc người bệnh tại bệnh viện.
Chương trình họp mặt Xuân Quý Mão 2023 tại Trung tâm CTXH thành phố, sân chơi vui tươi, ấm áp cho trẻ có HCÐB.
► Ông có kiến nghị gì nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm?
- Với mong muốn là đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH chất lượng, uy tín, Trung tâm kiến nghị tiếp tục được lãnh đạo thành phố, ngành chủ quản quan tâm chỉ đạo; các sở, ngành chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về CTXH; vận động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà nguồn kinh phí từ ngân sách chưa đảm bảo. Ðồng thời, hỗ trợ thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên CTXH tại xã, phường, thị trấn để kịp thời hỗ trợ người có nhu cầu, nhất là đối với trường hợp khẩn cấp.
► Xin cảm ơn ông!l