24/02/2018 - 16:03

Xác định thị trường trọng điểm để mời gọi đầu tư 

Năm 2017, thành phố Cần Thơ thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến ra nước ngoài và đón nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến thành phố. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), cho biết: “Công tác xúc tiến đầu tư đã góp phần cải thiện môi trường và nâng cao kết quả thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến thương mại thực hiện khá tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố quảng bá thương hiệu, sản phẩm và mở rộng thị trường”. 

* Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường trọng điểm mà thành phố tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả xúc tiến vào thị trường này trong năm qua?

- Năm qua, thành phố đón 46 đoàn nhà đầu tư đến thành phố tìm hiểu môi trường đầu tư, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ai Cập, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Thụy Điển, Lào, Ý, Úc,... Thành phố đã tổ chức thành công 2 chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp cận được một số nhà đầu tư tiềm năng và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Cần Thơ và các nước bạn.

Cụ thể, kết quả chuyến đi Hàn Quốc trong tháng 4-2017, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu môi trường đầu tư ở Cần Thơ, đặc biệt quan tâm Khu công nghiệp Hưng Phú. Chuyến đi Nhật Bản tháng 10-2017, đã ký kết bản Tuyên bố chung giữa TP Cần Thơ với thành phố Okayama, ký MOU giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP Cần Thơ với 3 Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam chi hội tại Okayama, Osaka và chi hội đường sắt; Đại học Okayama dự định sẽ hỗ trợ Cần Thơ thực hiện dự án bệnh viện Tim Mạch tại Cần Thơ...

Ngoài ra, thành phố thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ). Trung tâm có nhiệm vụ là Văn phòng Thường trực của Tổ. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ quốc gia Nhật Bản thời gian tới.

* Doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào trong tìm kiếm thị trường, thưa ông?

- Năm qua, Trung tâm tổ chức 2 cuộc tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, để lắng nghe và giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các chuyến đi khảo sát thị trường tại thành phố Riverside, Hoa Kỳ; thị trường Úc để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường. Ở thị trường Úc, Tập đoàn SunRice mong muốn đầu tư ở Việt Nam bao gồm các hoạt động R&D vào các giống lúa, cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát và chế biến với sự đổi mới và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, trang trí và thuê gian hàng tại hội chợ cho các doanh nghiệp thành phố tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm nhà phân phối tại 9 cuộc hội chợ ở các tỉnh thành, như: An Giang, Kiên Giang, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội... Qua đó, 12 hợp đồng được ký kết để phân phối sản phẩm của doanh nghiệp khi kết thúc hội chợ, tổng doanh thu bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng tại hội chợ trên 535 triệu đồng. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm đã kết nối cho trên 200 doanh nghiệp TP Cần Thơ, TP HCM và các tỉnh ĐBSCL gặp gỡ, trao đổi, ký kết 72 bản ghi nhớ hợp tác mở rộng thị trường, kênh phân phối sản phẩm cho doanh nghiệp.

Các sự kiện do Trung tâm tổ chức có nhiều đổi mới so với năm 2016 cả về nội dung, quy mô lẫn hình thức tổ chức, cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, Anh, Ý, Mỹ… Lợi ích thiết thực mang lại cho doanh nghiệp và khách hàng là cơ hội để quảng bá về các doanh nghiệp Cần Thơ nói riêng và tiềm năng đầu tư của TP Cần Thơ nói chung.

* Dù đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng, “chỉ số hài lòng” của nhiều nhà đầu tư khi đến thành phố còn thấp. Ông nhận định gì về vấn đề này?

- Trên thực tế, môi trường và cơ chế, chính sách đầu tư của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư, nhất là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị lớn, công nghệ tiên tiến. Các cơ chế, chính sách về thuế, tiền thuê đất cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia các dự án. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách thuế quy định khu công nghiệp hiện có trên địa bàn (trừ Khu công nghiệp Thốt Nốt) không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp không trực tiếp thuê đất của Nhà nước nên không được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trong khu công nghiệp. TP Cần Thơ là đô thị loại 1, không nằm trong danh mục các địa bàn được ưu đãi đầu tư theo quy định nên tiền thuê đất hiện nay khá cao (từ 80 USD/m2 trở lên) so với các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang,... đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc thu hút đầu tư.

Lãnh đạo CPA trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: CTV

* Để khắc phục những hạn chế này, ông có đề xuất gì?

-  Nhà đầu tư thường quan tâm nhiều về: “đất sạch”, vị trí đất, thủ tục đầu tư đơn giản nhanh gọn,… Họ cũng thường lo ngại sự cản trở trong công tác giải phóng mặt bằng khi khu vực thực hiện dự án có nhiều hộ dân cư. Trong đó, “đất sạch” cực kỳ quan trọng đối với quyết định của nhà đầu tư nhưng các địa phương thường không có đủ kinh phí để tạo đất sạch sẵn. Cũng không có sự đảm bảo nào có sẵn “đất sạch” thì sẽ có nhà đầu tư vào và nếu đầu tư trên quỹ “đất sạch” có sẵn thì nhà đầu tư phải tham gia quy trình đấu giá. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư là yếu tố quyết định nhưng vấn đề quan trọng nhà đầu tư tính toán dự án khả thi và có lợi nhuận hay không. Do vậy, chính sách và cơ chế đặc thù cho thành phố trong mời gọi đầu tư cần được tính toán căn cơ hơn.

Hiện nay, làn sóng đầu tư của Nhật Bản đang có xu hướng tăng. Năm qua, rất nhiều đoàn nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam, trong đó có Cần Thơ tìm hiểu đầu tư. Cần Thơ đang xúc tiến hình thành Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ. Trung tâm sẽ phối hợp với chuyên gia cố vấn Nhật Bản để thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư với đối tác Nhật Bản. Cụ thể là kết nối với Japan Desk các tỉnh bạn, các tổ chức của Nhật (Jica, Jetro), các hội, hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản,… Đồng thời, xác định các thị trường trọng điểm để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư- thương mại có trọng tâm.

* Xin cảm ơn ông !                                         

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết