25/07/2023 - 18:37

Xã hội Iraq chia rẽ vì biến đổi khí hậu 

MAI QUYÊN (Theo DW)

Hạn hán kéo dài đang buộc người dân ở nhiều vùng nông thôn Iraq di cư đến các thành phố lớn để tìm việc. Thực trạng này đồng thời gây ra xung đột cộng đồng, thậm chí gia tăng thành bạo lực bởi những khác biệt sâu sắc giữa văn hóa miền quê và thành thị.

Nhiều nông dân Iraq chuyển đến thành phố tìm kiếm cơ hội kinh tế.

Nhiều nông dân Iraq chuyển đến thành phố tìm kiếm cơ hội kinh tế.

Kể về câu chuyện từng chứng kiến, nhà báo Marama Habib xuất thân từ một thị trấn nhỏ nhưng có thời gian dài sinh sống ở thủ đô Baghdad cho biết tranh cãi thường bắt đầu từ những chuyện vụn vặt. Lấy ví dụ ở quê bà, mọi người không cho phép người lạ ngồi bên ngoài tường nhà hoặc trong khu đất của mình. Nhưng điều này lại hết sức bình thường ở thành phố. Khi đến làm việc ở các đô thị, những người nông dân không hiểu điều đó và bắt đầu tranh cãi, thậm chí đánh nhau nếu có ai “xâm nhập”.

Một ví dụ khác về xung đột văn hóa nông thôn và thành thị đang gia tăng ở Iraq là thái độ với cách ăn mặc. Theo bà Habib, phụ nữ ở các làng quê che chắn cơ thể nhiều hơn với những chiếc áo dài và áo choàng bên ngoài. Nên lúc sống ở đô thị, các gia đình nông thôn không quen nhìn thấy phụ nữ mặc quần áo kiểu phương Tây, thậm chí nghĩ họ là gái mại dâm. “Tôi đến từ nông thôn nên hiểu suy nghĩ này. Tuy đã giải thích nhưng quan niệm đó vẫn gây ra nhiều vấn đề” - bà Habib cho biết.

Trên đây là những loại vấn đề xã hội mà Iraq có thể gặp nhiều hơn trong tương lai, bởi nước này là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, có tới 92% đất đai của Iraq bị đe dọa bởi sa mạc hóa và nhiệt độ ở đây đang tăng nhanh gấp 7 lần so với mức trung bình toàn cầu. Thực trạng này làm cho sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể canh tác. Bối cảnh đó cùng với xung đột kéo dài khiến các khu vực nông thôn bị thiếu tài nguyên trầm trọng, buộc người nông dân di cư đến thành phố để tìm kiếm việc làm và cơ hội. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ (IOM) tại Iraq, ít nhất 83.000 người phải di dời do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ở miền Trung và Nam Iraq tính từ năm 2018 đến 2023.

Chia rẽ giữa nông thôn - thành thị

Báo cáo gần đây của các tổ chức giám sát nói rằng ác cảm giữa nông thôn và thành thị đang gia tăng trong xã hội Iraq. Một phần do cạnh tranh giữa những người mới đến với cư dân thành thị để giành lấy cơ sở hạ tầng vốn đã quá tải. Bên cạnh đó là nghi ngại của cư dân thành phố với việc người di cư làm tăng nguy cơ tội phạm, bạo lực và mâu thuẫn chính trị. Các chính trị gia địa phương cũng có xu hướng bêu xấu người dân nông thôn.

Theo các nhà xã hội học, điều đó đúng không chỉ với Iraq bởi định kiến tồn tại lâu nay, rằng cư dân thành thị tự do và dễ chấp nhận đa dạng văn hóa so với người nông thôn thường bị coi là bảo thủ hoặc sùng đạo hơn. Đây cũng là lý do tại sao những vấn đề nhỏ nhặt như cách ăn mặc của phụ nữ có thể phát triển thành mâu thuẫn và gây chia rẽ. 

Vấn đề bị xem nhẹ

Theo các nhà chuyên môn, đa phần người di cư bị đẩy ra ngoài lề xã hội khi phải sống trong các thị trấn nghèo nàn hoặc khu định cư không chính thức. Phần lớn họ chỉ có thể làm các công việc lao động phổ thông lương thấp và gặp khó khăn khi tiếp cận những thứ cơ bản như nước sạch, giao thông, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Điều này cùng với mạng lưới hỗ trợ xã hội bị hạn chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và lạm dụng chất kích thích.

Nếu có thể làm gì để gắn kết xã hội Iraq trước tình trạng di cư ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, các chuyên gia IOM nói rằng quyền của người di cư phải được hỗ trợ. Từ cấp địa phương, IOM đề nghị chính phủ triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức; xây dựng chỗ ở tốt hơn cho người mới đến và hỗ trợ họ tìm việc làm, tiếp cận các dịch vụ công. Nhưng vì những vấn đề như bất ổn chính trị và tham nhũng, Chính phủ Iraq hiện còn chưa có biện pháp thỏa đáng ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, chứ đừng nói đến những vấn đề cụ thể hơn như thế này. Trên bình diện quốc tế, định nghĩa chung về “người tị nạn môi trường” vẫn chưa rõ ràng. Do đó, các tổ chức như LHQ tuy nhận thức được vấn đề nhưng vẫn đang trong tiến trình nghiên cứu tìm ra cách hỗ trợ bền vững.

Chia sẻ bài viết