17/03/2020 - 18:54

Dịch COVID-19:

WHO kêu gọi kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước cần tiến hành kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, coi đây là công tác hết sức quan trọng khi mà tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm và tử vong của phần còn lại trên thế giới đã cao hơn số trường hợp nhiễm và tử vong tại Trung Quốc đại lục.

 Phát biểu ngày 16-3 trong buổi họp báo trực tuyến từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ "Chúng ta không thể dập tắt đám cháy nếu bị bịt mắt".

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại  Mỹ.

Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng tổ chức này chưa nhận thấy phản ứng tương xứng trong khâu xét nghiệm, cách ly và xác định những người tiếp xúc với bệnh nhân. Ông nhấn mạnh đó là xương sống trong việc đối phó đại dịch.

Mặc dù đánh giá cao các biện pháp được một loạt chính phủ các nước đưa ra nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 như đóng cửa trường học, nhà hàng, cấm tụ tập đông người, khuyến khích rửa tay... có thể giúp giảm hạn chế việc lây truyền dịch bệnh, song Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho rằng điều đó là chưa đủ để dập tắt đại dịch này. Theo ông, để cắt đứt việc lây lan, các nước cần phải kiểm tra tất cả những trường hợp nghi ngờ và tiến hành cách ly họ. Các nước sẽ không thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 nếu không nắm được ai nhiễm bệnh.

* Úc công bố phát hiện đột phá về cơ chế miễn dịch phản ứng với SARS-CoV-2

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên ngày 17-3, các nhà khoa học tại Viện Truyền nhiễm Peter Doherty ở thành phố Melbourne cho biết đã đạt được bước tiến mới trong việc phát hiện ra cơ chế hệ miễn dịch của con người phản ứng với SARS-CoV-2.

Nghiên cứu dựa trên việc xét nghiệm mẫu máu của một phụ nữ ở độ tuổi 40, nhiễm SARS-CoV-2 sau khi từ thành phố Vũ Hán trở về Melbourne, tại 4 thời điểm khác nhau, trước và sau khi người bệnh phục hồi, để xác định các kháng thể được cơ thể huy động chống lại bệnh tật. Người đứng đầu phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu nói trên, giáo sư Kinda Kedzierska cho biết các nhà khoa học đã phát hiện ra cách mà hệ thống miễn dịch của người bệnh phản ứng với SARS-CoV-2 tương tự như cách con người chống lại căn bệnh cúm. Theo giáo sư Kedzierska, bệnh nhân có kết quả dương tính với  SARS-CoV-2 đã có triệu chứng mệt mỏi, đau họng, ho khan và sốt cao khi nhập viện. Ba ngày sau đó, các nhà khoa học phát hiện một số lượng lớn các tế bào miễn dịch, thường là dấu hiệu phục hồi khi nhiễm cúm theo mùa, đã xuất hiện ở bệnh nhân này. Vì vậy, họ dự đoán bệnh nhân sẽ hồi phục sau 3 ngày và dự đoán này đã thành hiện thực.         

* Bỉ phát triển kháng thể có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2

Ngày 16-3, Viện nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish công bố đã phát hiện một loại kháng thể có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2. Tuy nhiên, viện này cho biết vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận hiệu quả thực sự của kháng thể này.

Không giống như vaccine, kháng thể có tác dụng bảo vệ ngay lập tức - mặc dù thời gian hiệu quả là ngắn hơn. Ưu điểm của phương pháp này so với vaccine là bệnh nhân không cần phải tự sản xuất kháng thể. Nhân viên y tế hoặc những người có nguy cơ tiếp xúc với virus cũng có thể được hưởng lợi từ sự bảo vệ nhanh chóng này.

Thanh Hải

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dịch COVID-19