05/03/2021 - 20:55

WHO hoãn công bố báo cáo về nguồn gốc COVID-19 

Theo tờ The Wall Street Journal, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự định hủy bỏ báo cáo tạm thời về kết quả điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc sau khi bị Mỹ chỉ trích gay gắt.

Các chuyên gia WHO trao đổi với một quan chức Trung Quốc khi điều tra tại Vũ Hán. Ảnh: EPA

Các chuyên gia WHO trao đổi với một quan chức Trung Quốc khi điều tra tại Vũ Hán. Ảnh: EPA

Ngày 9-2, nhóm chuyên gia WHO công bố báo cáo sơ bộ sau gần 1 tháng điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Trung Quốc. Tài liệu vẫn chưa đưa ra kết quả rõ ràng về nguồn gốc đại dịch nhưng cho rằng khó có khả năng mầm bệnh như COVID-19 rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Vũ Hán là nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên cuối năm 2019, trước khi mầm bệnh lây lan ra toàn cầu làm hơn 116 triệu người nhiễm và gần 2,6 triệu người chết hiện nay.

Ðến ngày 12-2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng nhóm điều tra sẽ công bố báo cáo tạm thời sứ mệnh tại Vũ Hán trước, rồi sau đó đến lượt bản báo cáo hoàn chỉnh. Trong khi chưa rõ nguyên nhân vì sao WHO lại chưa công bố báo cáo tạm thời, thì Tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng nhóm điều tra, lại tiết lộ nhóm của ông tính xé bỏ nó. “Do có quá nhiều chú ý đổ dồn vào báo cáo hoàn chỉnh, nên bản tóm tắt sẽ không làm thỏa mãn sự tò mò của người đọc”, Tiến sĩ Embarek giải thích. Thay vào đó, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết bản hoàn chỉnh dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới với những phát hiện quan trọng.

Theo nhà khoa học Dominic Dwyer, một thành viên của nhóm điều tra, phía Bắc Kinh đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca bệnh đầu tiên cho nhóm, mục đích có thể nhằm gây khó khăn cho việc tìm ra nguồn gốc đại dịch. WHO đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì cuộc điều tra bị trì hoãn trong thời gian dài cũng như thiếu tính minh bạch. Trong thời gian điều tra tại Trung Quốc, nhóm của WHO bị hạn chế tiếp cận với các điểm thực địa và người dân địa phương. Vì lẽ đó, chính quyền Mỹ tuyên bố không chấp nhận báo cáo trên và yêu cầu được xác minh độc lập. Hôm 4-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ dữ liệu từ ngày đầu tiên đại dịch bùng phát.

Cuộc điều tra của WHO bị nghi ngờ

Hôm 4-3, một nhóm gồm ít nhất 26 nhà khoa học quốc tế đã ký tên vào thư ngỏ đăng trên The Wall Street Journal kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập, cân nhắc mọi giả thuyết về nguồn gốc gây bệnh COVID-19, kể cả nghi án virus “xổng” khỏi phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán. Các nhà khoa học này lập luận rằng nhóm chuyên gia WHO đã bị hạn chế tiếp cận và cuộc điều tra của họ cũng không hoàn toàn độc lập vì phân nửa trong số đó là công dân Trung Quốc.

Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả thư ngỏ nói trên như “bình mới rượu cũ” và thiếu bằng chứng khoa học, đồng thời nhấn mạnh nhóm điều tra WHO đã kết luận giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”, nên không cần phải điều tra thêm. Gần đây, một số nhà khoa học, bao gồm chuyên gia virus Robert Garry tại Ðại học Tulane (Mỹ), cho rằng khả năng cao nhất là SARS-CoV-2 tiến hóa trong tự nhiên và lây truyền từ động vật sang người.

EU xem xét cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V 

Ngày 4-3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đã bắt đầu tiến trình xem xét cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc thiếu nguồn cung vaccine cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tính đến thời điểm hiện tại, Sputnik V đã được cấp phép sử dụng tại 44 nước.

HẠNH NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết