21/12/2019 - 09:15

WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính từ nợ ở các nước đang phát triển và mới nổi

Nợ công ở các nước đang phát triển và mới nổi đã tăng nhanh và nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trong suốt 5 thập kỷ qua và có thể kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng. Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra cảnh báo này trong báo cáo công bố ngày 19-12. 

Báo cáo của WB đề cập 4 đợt nợ tăng từ năm 1970-2018 và cảnh báo nếu làn sóng nợ hiện nay vỡ có thể gây nhiều thiệt hại hơn vì sẽ “nhấn chìm” các công ty tư nhân cũng như các chính phủ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ. Chủ tịch WB David Malpass khẳng định: “Quy mô, tốc độ và phạm vi của làn sóng nợ mới nhất này sẽ tác động tới tất cả chúng ta”. 

 WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng liên tiếp cảnh báo về tình trạng nợ toàn cầu gia tăng trong nhiều năm qua, nhưng báo cáo mới nhất này của WB đưa ra cảnh báo mạnh mẽ và khẩn thiết hơn nhiều, trong đó kêu gọi các chính phủ sớm đưa ra các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ có thể xảy ra.

Theo IMF,  tính đến cuối năm 2018, tổng nợ toàn cầu đã tăng lên tới 188 nghìn tỉ USD, tương đương gần 230% nền kinh tế thế giới. 

Báo cáo của WB nhấn mạnh tình trạng nợ công tăng “đột biến” ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cho rằng đây là đợt tăng “lớn nhất, nhanh nhất” trong 50 năm qua. Theo WB, nợ ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã giảm trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng chỉ trong vòng 8 năm kể từ 2010, do chi phí vay thấp, nợ tại các nền kinh tế này đã tăng lên đến mức cao nhất từ trước đến nay, tương đương 170% GDP (khoảng 55 nghìn tỉ USD).

Trung Quốc góp một phần lớn vào mức tăng nợ này (khoảng hơn 20 nghìn tỉ USD), nhưng nước này cũng là “chủ nợ” lớn của các nước thu nhập thấp. 

WB cảnh báo rằng làn sóng nợ hiện nay có thể đi theo “vết xe đổ” trong lịch sử, đỉnh điểm trở thành khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt nếu lãi suất tăng đột biến hoặc xảy ra một cú sốc toàn cầu.

WB cho rằng quản lý nợ tốt hơn, thu thuế được cải thiện, tỷ giá hối đoái linh hoạt và các nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát chi tiêu có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, thậm chí giảm những tác động nếu cú sốc xảy ra. Ông Malpass khẳng định: “Dù cao đến đâu, làn sóng nợ toàn cầu mới nhất này vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cần nhận ra mối nguy và đưa nước họ vào vùng an toàn hơn về chất lượng cũng như số lượng đầu tư và nợ càng sớm càng tốt”.

Phương Hoa  (TTXVN)

Chia sẻ bài viết