13/01/2021 - 10:50

Vươn lên sau vấp ngã 

Đến khu vực Trường Hưng (phường Trường Lạc, quận Ô Môn), chúng tôi được tìm hiểu về quá trình chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất của vợ chồng anh Võ Văn Khởi. Sau lần vấp ngã trong đời, anh Khởi đã vững tin tái hòa nhập cộng đồng, quyết tâm làm lại cuộc đời.   

Anh Khởi chăm sóc vườn mãng cầu, chuẩn bị bán dịp Tết.

Anh Khởi chăm sóc vườn mãng cầu, chuẩn bị bán dịp Tết.

Từ sáng sớm, gia đình anh Khởi đã tất bật với công việc may túi lưới. Anh Khởi thực hiện công đoạn đo, cắt; vợ và 3 cô con gái (con lớn 16 tuổi, con nhỏ 13 tuổi) thì may và hoàn tất sản phẩm. Anh Khởi cho biết: “Túi lưới này được nhà vườn sử dụng nhiều, vì giá thành rẻ và độ bền cao. Gia đình tôi gắn bó với công việc may túi lưới hơn 1 năm. Ðầu ra sản phẩm khá ổn định”.

Ðể tiết giảm tối đa chi phí, anh đặt mua lưới ở TP Hồ Chí Minh, còn khâu làm ra sản phẩm thì mỗi thành viên trong gia đình phụ trách một công đoạn. Khi vào mùa vụ, sản phẩm anh làm ra không kịp giao cho khách, phải thuê nhân công, chủ yếu là người dân trong xóm may gia công. Chị Ngô Thị Diễm, người dân địa phương, kể: “Vợ chồng tôi mới cưới, còn khó khăn về kinh tế. Chồng tôi đi làm phụ hồ; còn tôi ở nhà lo cơm nước. Thấy vậy, vợ chồng anh Khởi bán thiếu máy may và đưa lưới cho tôi may gia công. Tôi trả tiền máy may dần vào tiền công. Ðến nay, tôi đã trả dứt tiền mua máy và kiếm thêm mỗi tháng được khoảng 1 triệu đồng. Cuộc sống của vợ chồng tôi cũng dần ổn định”.

Không chỉ may túi lưới, anh Khởi còn chăm sóc 7 công đất vườn, trồng nhiều loại cây ăn trái, như: mãng cầu, cam, chuối, hạnh… Vườn cây của anh cho thu hoạch hơn 2 năm nay. Mỗi năm, anh lời khoảng 50 triệu đồng, giúp gia đình xoay xở các khoản chi phí, nuôi con ăn học. Anh Khởi bộc bạch: “Trên phần đất này, trước đây, tôi làm ruộng, nhưng thu nhập không nhiều. Vì vậy, tôi quyết định lên bờ, làm vườn. Ðể có tiền lo cho con ăn học, tôi tận dụng diện tích đất trồng xen thêm chuối cau, hạnh. Còn dưới mặt nước, tôi thả cá, ốc bươu… “lấy ngắn nuôi dài””. 

Dù kinh tế chưa dư dả, nhưng gia đình anh Khởi luôn rộn vang tiếng nói, cười. Ðó là niềm vui, hạnh phúc mà anh chị đã dày công vun đắp. Và cũng là kết quả mà anh Khởi đã gặt hái sau 4 năm tái hòa nhập cộng đồng.

Trước đây, trên đường đi làm về, anh gây tai nạn, làm chết người. Hậu quả, anh phải chấp hành mức án 6 tháng tù giam, về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Những ngày tháng đó, anh hối hận, nhận biết được việc làm sai trái của mình nên quyết tâm sửa đổi, để sớm đoàn tụ cùng gia đình. Sau khi chấp hành xong bản án, năm 2016, anh trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ sự động viên của gia đình và địa phương, anh dần dà xóa đi mặc cảm, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Anh Khởi bộc bạch: “Nhớ lại khoảng thời gian trước, tôi thật hối hận. Tôi luôn tự nhắc mình, dù công việc có gấp cỡ nào đi chăng nữa cũng phải luôn lái xe cẩn thận, không được uống rượu bia… nhằm tránh tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra”.

Sau nhiều năm trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh Khởi đã tạo được sự tín nhiệm của gia đình và bà con lối xóm. Chị Huỳnh Thị Kiều bộc bạch: “Anh Khởi siêng lắm. Dù tất bật với công việc, nhưng anh dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, phụ giúp tôi dạy dỗ 3 con. Kinh tế gia đình dẫu còn khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ chí thú làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Ông Lâm Huỳnh Khương, Bí thư, Trưởng khu vực Trường Hưng, phấn khởi nói: “Hiện nay, anh Khởi có nhiều nỗ lực trong lao động sản xuất, từng bước vươn lên ổn định đời sống. Bên cạnh đó, anh luôn chấp hành và vận động gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; được bà con xóm giềng quý mến, tín nhiệm”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết