Bài, ảnh: DUY KHÔI
Ở Làng hoa Sa Ðéc (TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp), ông Nguyễn Phước Lộc được xem là người tiên phong trong thú chơi cây kiểng độc lạ, xác lập kỷ lục. Sở hữu vườn cây kỷ lục trị giá triệu đô, ông Lộc xem đó là gia sản đời người và góp phần lan tỏa vẻ đẹp của làng hoa quê hương.

Du khách chụp ảnh trước cặp me kỷ lục.
Ðể giao lưu với những người yêu thích cây kiểng và muốn chiêm ngưỡng cây kiểng độc lạ, ông Lộc thành lập Khu du lịch Hoa kiểng Sa Ðéc. Lối đi chính của khu du lịch nổi bật với hàng cây kỷ lục.
Du khách bị cuốn hút bởi cặp me cổ được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nội dung “Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam”. Ông Lộc cho biết, cặp me này đã được ông mua đúng 30 năm, trong một dịp tình cờ phát hiện tại tỉnh Tiền Giang. Cặp me có dáng thế tương tự nhau kiểu “tứ diện sơn thủy”, rất nghệ thuật. Cặp me có tuổi đời trên 150 tuổi, chiều cao khoảng 6m, đường kính tán chỗ rộng nhất là khoảng hơn 3m và bề hoành gốc đến 1,4m. Tại thời điểm được xác lập kỷ lục vào năm 2013, cặp me là cây kiểng cổ đầu tiên ở Sa Ðéc lập thành tích này.
Cạnh cặp me cổ là cây sanh được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nội dung “Cây sanh bonsai có đường kính tán lớn nhất Việt Nam”, vào năm 2021. Hiện tại cây sanh này có đường kính tán lên đến 6,2m, chiều cao 5,5m, bề hoành gốc 3,6m. Cây sanh này có tuổi đời khoảng 120 năm, được tạo tác theo kiểu cây bonsai với dáng thế rất đẹp.
Cũng trong năm 2021, ông Nguyễn Phước Lộc lại sở hữu thêm Kỷ lục Việt Nam thứ 3 khi cặp kiểng vạn niên tùng cổ được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cặp vạn niên tùng kiểng xuất xứ Nam Bộ được tạo tác theo phương pháp Tứ diện nhật nguyệt đạt giá trị kỷ lục độc bản Việt Nam”. Theo ông Lộc, cặp vạn niên tùng này được ông mua từ một người chơi kiểng ở Tiền Giang, nhưng dáng thế chưa đẹp như bây giờ. Ông đã mất rất nhiều tâm sức để thổi hồn, tạo dáng cho cây, giúp cây “khoác lên mình chiếc áo mới”. Hai cây vạn niên tùng này cũng vào hàng cổ thụ với tuổi đời trên 150 năm, có chiều cao khoảng 7m, đường kính tán khoảng 4m, bề hoành gốc 1,3m, bề hoành chi khoảng 0,4m. “Tứ diện nhật nguyệt” có nghĩa là các chi được tạo tán thành hình tròn với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, đan xen phủ đều 4 mặt của thân cây.
Dù chưa được xác lập kỷ lục nhưng hàng ngàn cây còn lại trong vườn của ông Lộc cũng thuộc dạng “hiếm có khó tìm”. Ðó là hàng trăm cây vạn niên tùng được tạo tác rất đẹp, dấu thời gian hằn trên da, nhánh và dáng thế của cây. Hay là hàng trăm chậu bonsai mai vàng, linh sam, vạn niên tùng... rất nghệ thuật mà khi du khách rảo bước, có cảm giác như đang bước vào “vườn cổ tích”. Anh Nguyễn Hồng Bảo, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, trầm trồ: “Vườn kiểng này rất tuyệt vời, tôi choáng ngợp khi vừa bước vào. Quả không hổ danh thủ phủ hoa kiểng Sa Ðéc”. Còn du khách Nguyễn Thị Nguyệt, đến từ Bạc Liêu, thì nói: “Mỗi cây kiểng ở đây đều là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chắc hẳn nghệ nhân phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới có được”.
Quả là vậy, vườn cây kiểng “vạn người mê” này là thành quả sau hơn 30 năm theo đuổi đam mê của ông Nguyễn Phước Lộc. Sinh ra ở làng hoa Sa Ðéc, lớn lên giữa những cánh đồng hoa kiểng bạt ngàn của quê hương, tuổi đôi mươi, ông Lộc đã chọn nghề hoa kiểng để lập nghiệp. 53 tuổi, nhưng ông Lộc được xem là một trong những nghệ nhân giỏi nghề trong lĩnh vực hoa kiểng ở địa phương. Ông Lộc chọn cho mình lối đi riêng là chơi bonsai kiểng cổ, với các loại cây độc lạ. Dù rằng, để sở hữu chúng, ông phải bỏ ra rất nhiều tiền và dụng tâm tạo tác. Hiện tại, trị giá khu vườn của ông Lộc lên đến hàng triệu đô - la.
Ông Lộc không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ đam mê với người cùng sở thích. Ông còn có năng khiếu làm các tiểu cảnh cây kiểng kết hợp đá, thác nước, hồ cá... và thường được các khu, điểm du lịch nhờ hỗ trợ. Riêng với Khu du lịch Hoa kiểng Sa Ðéc, ông mở ra vừa để có thêm thu nhập để làm chi phí chăm sóc cây kiểng, vừa để người làm nghề, người mê cây kiểng có dịp gặp gỡ, trò chuyện.