17/06/2021 - 12:05

Vun đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ tiếp tục là “điểm tựa” của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Các hội viên được Hội quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất, tinh thần và tích cực góp sức giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Vun đắp lòng yêu nước

Hội Người tù kháng chiến thành phố trao quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Người tù kháng chiến thành phố trao quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ thành lập năm 2005, từ tổ chức Ban Liên lạc nữ tù (1993), Ban Liên lạc tù binh - tù chính trị (1995). Trong suốt quá trình hoạt động, công tác giao lưu, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ luôn được các cấp Hội Người tù kháng chiến thành phố quan tâm phối hợp thực hiện. Công tác này càng được đẩy mạnh từ sau khi Hội Người tù kháng chiến thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố, Thành đoàn ký kết liên tịch năm 2016 về phối hợp giáo dục truyền thống cho thanh niên, đoàn viên ở nông thôn, thành thị và các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn. Hội Người tù kháng chiến thành phố có 10 báo cáo viên. Là những người đã trải qua năm tháng chiến đấu, bị tù đày, các báo viên của Hội Người tù kháng chiến thu hút thế hệ trẻ bằng những câu chuyện kể sinh động, người thật việc thật.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Người tù kháng chiến các cấp trong thành phố đã phối hợp tổ chức 442 cuộc giao lưu giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ với hơn 140.000 lượt người tham dự. Anh Nguyễn Thanh Sử, Bí thư Đoàn Khối Cơ quan Dân chính Đảng thành phố, cho biết: “Hoạt động giao lưu giáo dục truyền thống cách mạng của các cô chú đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, lý tưởng cách mạng và bản lĩnh. Qua đó, các đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh của nhân dân Cần Thơ trong những năm kháng chiến và ý thức sẽ ra sức xây dựng, bảo vệ thành quả mà các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu tạo nên”. Còn anh Lại Phước Trường Thành, Bí thư Đoàn phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Tôi luôn tự hào và trân trọng những đóng góp của các cô chú Hội Người tù kháng chiến. Mỗi lần nghe các cô chú kể về tinh thần bất khuất, kiên trung, sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, tôi tự nhắc mình phải cống hiến nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Chăm lo đời sống hội viên

Hiện nay, TP Cần Thơ có 865 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là hội viên của Hội Người tù kháng chiến. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét giải quyết 29 hồ sơ được hưởng chế độ chính sách tù đày, tặng 66 Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày”.

Theo ông Phan Thanh Sĩ, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến thành phố, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội luôn quan tâm theo dõi để chế độ chính sách của hội viên được đảm bảo, như: bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ dưỡng hằng năm và một số chính sách khác; tặng 1.486 phần quà Tết trị giá hơn 445 triệu đồng, thăm 1.527 lượt hội viên bị bệnh với số tiền hơn 176 triệu đồng; tặng sổ tiết kiệm trị giá 55 triệu đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên trị giá 65 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức cho hội viên thăm chiến trường xưa ở Phú Quốc, Côn Đảo. Các hội cơ sở tổ chức cho hội viên tham quan thủ đô Hà Nội… Bà Võ Chí Linh, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến phường An Bình, quận Ninh Kiều, nói: “Tôi rất vui khi được Hội tổ chức cho các hội viên đi tham quan, thăm lại chiến trường xưa. Đây là món quà tinh thần rất lớn, giúp những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày sống vui, sống khỏe. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và thực hiện nhiều chế độ chính sách, là sự động viên giúp những người tù kháng chiến vươn lên ổn định cuộc sống”.

Các cấp Hội Người tù kháng chiến thành phố cũng đã có nhiều hình thức vận động, hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, như: tổ chức góp vốn xoay vòng không lãi, tiết kiệm nuôi heo đất, giới thiệu vay hơn 3,6 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 225 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Bà Phạm Thanh Thủy, hội viên Hội Người tù kháng chiến ở phường An Bình, nói: “Việc Hội tổ chức góp vốn xoay vòng không lãi đã hỗ trợ nhiều hội viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhờ nguồn vốn này, tôi phụ giúp con có vốn bán nước giải khát”.

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Hội người tù kháng chiến thành phố có 18 hộ gia đình hội viên nghèo và 13 hộ cận nghèo. Đến cuối nhiệm kỳ, Hội không còn hộ nghèo và chỉ còn 4 hộ cận nghèo. Nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Người tù kháng chiến thành phố tiếp tục phối hợp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết chính sách cho những người tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống hội viên…

Bài, ảnh: NGỌC QUYÊN

Chia sẻ bài viết