02/09/2011 - 10:17

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2-9

Vui đón Bác về nhà

Qua 2 năm Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ phát động phong trào rước ảnh Bác Hồ về thờ trong gia đình đến nay đã có hơn 175.000 hộ gia đình hưởng ứng. Mỗi gia đình có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khác nhau nhưng với lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc đối với Bác, gia đình nào cũng dành nơi trang trọng nhất trong nhà để treo ảnh Bác. Ở các địa phương, tình cảm của người dân Cần Thơ đối với Bác Hồ còn được thể hiện qua những câu chuyện cảm động về tấm ảnh Bác Hồ....

Nhắc lại buổi lễ trao ảnh Bác cách đây ít lâu, bà con phường An Thới, quận Bình Thủy không thể nào quên hình ảnh một người đàn ông bật khóc khi ôm tấm ảnh Bác Hồ trước ngực. Đó là ông Lê Vũ Hồng, 70 tuổi, Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố Khu vực 1, phường An Thới. Ông Hồng cho biết gia đình ông ở Cần Thơ đã qua mấy đời, 4 anh em ông cũng tham gia cách mạng từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa năm 1945. Năm 1954, anh em ông đều tập kết ra miền Bắc nên lòng ông luôn đau đáu nỗi mong chờ Bắc-Nam sum họp. Đó không chỉ là mong ước đoàn tụ gia đình mà sâu xa hơn được thấy Bác vào Nam thỏa lòng mong nhớ. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Bác đã khiến mong ước đó không thành hiện thực. Ông Hồng chia sẻ: “Ngày Bác Hồ mất, lòng tôi đau đớn như mất đi một phần thân thể của mình vậy. Mong có một tấm ảnh Bác để thờ nhưng tìm hoài không được. Phải đợi đến 6 năm sau ....”.

Lễ trao ảnh Bác Hồ được tổ chức long trọng ở phường An Cư, quận Ninh Kiều vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9. 

Năm 1975, mấy người anh của ông Hồng từ miền Bắc trở về mang tặng cho ông một tấm ảnh Bác Hồ dệt trên lụa Hà Đông. Lần đầu tiên thấy ảnh Bác Hồ, ông Hồng không thể nào kiềm được nước mắt. Tấm ảnh ấy mang ý nghĩa lớn lao bởi món quà đó đến từ miền Bắc. Ông Hồng nói: “Lúc sinh thời Bác có nguyện vọng được vào Nam vậy mà không được. Ngày đón nhận tấm ảnh đó, tôi có cảm giác như mình được đón Bác vào thăm miền Nam”. Báu vật đó (lời ông Hồng) đã theo ông mấy chục năm qua. 36 năm sau, lần thứ hai trong đời nhận tấm ảnh Bác Hồ, kỷ niệm xưa lại ùa về và ông Hồng lại khóc. Ông Hồng tâm sự: “Bác Hồ đã từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi đã đi qua hai cuộc chiến tranh nên càng thấm thía câu nói đó. Nhận ảnh Bác treo ở nhà là để nhắc nhở con cháu phải đời đời khắc ghi công ơn Bác và có ý thức giữ gìn độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Đến ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ tôi được nghe câu chuyện về tấm lòng của bà Dương Thị Giỏi (77 tuổi). Năm 2010, khi Chi hội Cựu chiến binh ấp đến vận động tiền mua khung ảnh, bà Giỏi vắng nhà nên không hay biết. Thế nên ngày cả xóm đi nhận ảnh Bác về thờ, bà Giỏi cũng mặc chiếc áo đẹp nhất mà mình có được cùng đi. Vì không đăng ký trước nên Ban tổ chức chỉ phát ảnh còn khung thì phải đợi. Đợi hoài không thấy người ta gọi tên mình, bà Giỏi lên hỏi mới vỡ lẽ và khóc đòi bằng được khung ảnh thì mới chịu về. Bác Giỏi nói: “Mấy chú phải cho tui cái khung. Chứ có ảnh mà không có khung thì tui tủi thân lắm. Thờ Bác Hồ mà như vậy thì coi sao được”. Trước tấm lòng của bà Giỏi, ông Chi hội trưởng Đào Rem đành lấy cái khung ảnh của mình đưa cho bà. Giờ ngồi nhắc lại chuyện cũ, bà Giỏi móm mém cười: “Lúc đó tui nghĩ không có cái khung ảnh thì tấm lòng tui dành cho Bác Hồ không trọn vẹn đâu. Tuy tui không biết tường tận về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ nhưng tui biết Bác Hồ là người đem lại tự do, độc lập cho dân tộc mình nên tui muốn phụng thờ Người như cha mẹ mình”. Trong căn nhà ọp ẹp của bà Giỏi, tấm ảnh Bác Hồ được đặt nơi trang trọng nhất. Đó cũng là món quà quý nhất của bà lão nghèo sau khi đi qua gần hết cuộc đời.

Lần theo lời chỉ dẫn của ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, chúng tôi đến Trường THPT Thới Long (phường Long Hưng, quận Ô Môn). Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bướm nghe chúng tôi hỏi thăm chuyện cô học trò Lê Thị Thùy Trang học sinh lớp 7A7 cũng khá bất ngờ và xúc động khi biết trường mình có một học sinh đã lấy tiền dành dụm mua khung ảnh Bác về treo. Chuyện là, trong dịp lễ 30-4 vừa qua, khi chính quyền địa phương đến vận động góp tiền mua khung ảnh, mẹ của Thùy Trang chưa có tiền đóng đã xin dời lại 3 ngày. Lúc đó, Thùy Trang nhanh nhảu bảo: “Mẹ để con đóng góp cho. Ảnh Bác Hồ phải lộng trong khung thì mới đẹp”. Nói xong cô học trò nghèo xếp những đồng bạc lẻ mình dành dụm đóng tiền trường để mua khung ảnh. Thùy Trang tâm sự: “Thứ hai tuần nào con cũng nghe các bạn trong trường kể chuyện về tấm gương của Bác Hồ nên con thương Bác lắm. Con muốn có tấm ảnh Bác ở trong nhà con vì lần nào nhìn thấy ảnh Bác con rất vui và tự dặn mình luôn cố gắng phấn đấu học tập tốt hơn nữa”. Dù nhà thuộc diện hộ nghèo nhưng Thùy Trang luôn là học sinh khá, giỏi. Tấm gương vượt khó của em đã sáng và bây giờ thêm lấp lánh khi câu chuyện về tấm ảnh bác Hồ được truyền đi trong trường. Thầy Nguyễn Văn Bướm cho biết: “Chúng tôi sẽ đem câu chuyện về Thùy Trang giới thiệu rộng rãi đến học sinh toàn trường trong buổi sinh hoạt đầu tuần để các em học tập, thể hiện lòng kính yêu đối với Bác Hồ vĩ đại”.

Qua mỗi đợt trao ảnh Bác lại có thêm nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của nhân dân dành cho Bác. Những câu chuyện đó tưởng chừng rất nhỏ nhưng đó là tình cảm, tấm lòng đáng trân trọng của nhiều gia đình. Và trong dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, tiếp tục có thêm 15.000 tấm ảnh Bác Hồ được nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố đón về nhà đặt nơi trang trọng, thiêng liêng nhất.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết