22/06/2024 - 08:08

Vốn vay tín dụng chính sách đảm bảo an sinh xã hội 

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (Chỉ thị số 40), trong 10 năm (2014-2024), lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo và dành nguồn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Hội Nông dân phường Thường Thạnh tham quan vườn đu đủ Đài Loan của anh Phương.

Chị Lê Thị Bé Hai, ấp Thới Bình A1, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, kể, lúc trước, ngoài 3 công đất nhà chồng cho ra riêng, vợ chồng chị mướn 20 công đất canh tác lúa 3 vụ, chăm lo 2 con trai tốt nghiệp THPT, hiện có việc làm ổn định. Với số tiền dành dụm và 70 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị Bé Hai mua và cải tạo 4 công đất trồng ổi Ruby, mít Thái xen chanh, hạnh; trồng rau màu ngắn ngày và bông súng dưới ao. Chị Bé Hai cho biết: “Tôi trồng trên 200 cây mít Thái, năm 2023, bán đợt trái đầu tiên trên 60 triệu đồng. Cách 2 ngày, tôi bán khổ qua, cà phổi; 5 ngày bán 350-400kg bông súng, còn chanh, hạnh hái bán thường xuyên”. Nhờ áp dụng mô hình xen canh, chị Bé Hai chủ động xoay vòng vốn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Huyện ủy Thới Lai quan tâm quán triệt và triển khai Chỉ thị số 40 đến các cấp ủy đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Huyện ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các đối tượng đặc thù, góp phần hoàn thành các chương trình, dự án tại địa phương, đảm bảo hoạt động TDCS ổn định, bền vững. Trong 10 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phát vay trên 1.036 tỉ đồng cho 49.115 lượt hộ. Trong đó, huyện chuyển trên 7 tỉ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp làm tốt việc bình xét cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả... Qua đó, giúp 3.505 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 6.981 lao động được giải quyết việc làm; 6 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 7 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, tạo việc làm... Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,11% (cuối năm 2014) còn 0,21% (cuối năm 2023).

Tích cực thực hiện Chỉ thị số 40, Quận ủy Cái Răng quan tâm nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể đối với hoạt động TDCS. Nguồn vốn ưu đãi được giải ngân nhanh chóng, kịp thời; hoạt động giao dịch tại phường đi vào nền nếp, ổn định, chủ tịch UBND các phường tham gia họp giao ban hằng tháng để chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Hội, đoàn thể các phường rà soát nhu cầu đoàn viên, hội viên để cho vay đúng đối tượng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Doanh số cho vay trong 10 năm đạt 1.247 tỉ đồng, với 22.249 lượt hộ vay. Ðến cuối tháng 4-2024, quận chuyển trên 6,4 tỉ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay. Qua đó, giúp 1.183 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 8.578 lao động được giải quyết việc làm và một số mô hình làm ăn hiệu quả như: du lịch Chợ nổi Cái Răng, trồng mít, sầu riêng, nuôi lươn không bùn…

Hướng dẫn khách tham quan 7 công vườn trồng đu đủ Ðài Loan vào vụ thu hoạch và sầu riêng Musang King xanh tốt, anh Nguyễn Vũ Phương ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng phấn khích với hiệu quả canh tác “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2023, học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn, anh Phương mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo vườn, trồng 700 cây đu đủ Ðài Loan. Sau 8 tháng, đu đủ ra trái và bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tuần, anh Phương hái khoảng 300-400kg trái, bán 4.000-8.000 đồng/kg, tùy thời giá. Anh Phương cho biết: “Giống đu đủ này dễ trồng, mau thu hoạch, ít rủi ro, giá bán ổn định. Tôi được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để mua cây giống và phân bón, vật tư cần thiết và trang trải các chi phí khác. Từ nguồn thu nhập tích lũy, tôi trồng 100 cây giống sầu riêng Musang King hơn 8 tháng. Tôi đang học hỏi và ứng dụng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng các nhà vườn, hy vọng sẽ đạt năng suất, lợi nhuận cao”.

Thời gian tới, quận Cái Răng và huyện Thới Lai tiếp tục chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay, huy động tiền gởi tiết kiệm nhằm tăng nguồn lực TDCS; đẩy mạnh hoạt động TDCS phát triển bền vững. Ðồng thời, gắn hỗ trợ sử dụng vốn vay, cách làm ăn với đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội...

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết