Việc hình thành các mối liên kết ngang và liên kết dọc theo chuỗi ngành hàng lúa gạo đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao chuỗi giá trị và giúp phát triển sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Song, do phân chia lợi ích chưa hài hòa và còn gặp nhiều khó khăn khác nên hiện việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo tại nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa bền chặt. Đây là vấn đề ngành chức năng cần quan tâm khắc phục, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hiện nay.
Hiện vùng ÐBSCL đã có 7 mô hình thí điểm triển khai thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC và lúa trong các mô hình đều được doanh nghiệp bao tiêu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm ở tỉnh Sóc Trăng.
Liên kết còn hạn chế
Với sự quan tâm khuyến khích và hỗ trợ của ngành chức năng, hiện nông dân trồng lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã quan tâm liên kết với nhau, với doanh nghiệp và các bên có liên quan để tạo liên kết theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý, nông dân tại nhiều nơi đã liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) gắn với hình thành các mô hình cánh đồng lớn (CĐL) có sự giam gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mô hình liên kết này đã giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên liên quan, đặc biệt giúp nông dân ổn định đầu ra và có điều kiện đẩy mạnh áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm và tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu chất lượng cao ổn định để chủ động tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tốt các nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mô hình cũng giúp thúc đẩy ngành lúa gạo phát triển bền vững, thích ứng BĐKH và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng nhìn chung hiện việc liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Số lượng diện tích lúa tham gia mô hình CĐL, cùng các mô hình có sự liên kết theo chuỗi ngành hàng và tham gia bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích sản xuất lúa chung tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hiện mối liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp tại nhiều nơi còn lỏng lẻo và còn thường xuyên xảy ra tình trạng "bẻ kèo" các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.
Cần các giải pháp đồng bộ
Để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, UBND tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất chượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC) tại Hậu Giang. Tại hội thảo này, các diễn giả và đại biểu đã phân tích, chỉ rõ các khó khăn khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc liên kết sản xuất theo chuỗi còn hạn chế và chưa phát triển bền vững. Đáng chú ý, nông dân và doanh nghiệp còn chưa thấy rõ hết các lợi ích lâu dài của việc liên kết hợp tác, chưa có sự trao đổi thông tin thường xuyên và phối hợp tốt trong phân chia lợi ích và rủi ro một cách hài hòa nhằm tạo liên kết bền chặt lâu dài. Việc liên kết theo chuỗi gặp khó khi nông dân, doanh nghiệp còn tư duy sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ và thời vụ, với ưu tiên đặt lợi ích trước mắt của mình lên hàng đầu. Hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện và diện tích canh tác lúa nhỏ, manh mún theo quy mô nông hộ, số lượng HTX được thành lập còn ít và còn thiếu các liên hiệp HTX… cũng gây nhiều trở ngại cho liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo. Do vậy, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thực hiện hài hòa lợi ích giữa các bên có
liên quan.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân còn ít. Tại Hậu Giang, mỗi năm tỉnh sản xuất 3 vụ lúa đạt diện tích trên 170.000 ha/năm, với sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm. Thời gian qua, diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo của tỉnh hằng năm mới đạt trên 25.000ha và có khoảng 12-13 doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa cho nông dân. Tới đây, cùng với việc quan tâm có giải pháp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, tỉnh cũng chú ý thành lập liên hiệp HTX để thuận lợi cho phát triển liên kết ngang và liên kết dọc theo chuỗi giá trị".
Theo ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nhiều nông dân và HTX giỏi về sản xuất nhưng còn yếu kém và hạn chế về tư duy mua bán kinh doanh. Để phát triển chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, ngành chức năng cần quan tâm tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân và các HTX. Tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện các mối liên kết ngang giữa nông dân và các HTX với nhau và liên kết dọc với doanh nghiệp, cùng các đơn vị có liên quan. Chú ý tổ chức các hoạt động kết nối, đối thoại giữa nông dân và HTX với các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp xây dựng các mối liên kết bền chặt thông qua việc phối hợp, trao đổi thông tin qua lại thường xuyên để thấu hiểu, thống nhất với nhau và thực hiện chia sẻ lợi ích, rủi ro một cách hài hòa nhằm cùng có lợi lâu dài.
ĐBSCL là "vựa lúa" của cả nước, nơi cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo của quốc gia và cung cấp hơn 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất lúa tại vùng đang đối mặt với nhiều tác nhân và yếu tố chưa bền vững, nhất là tác động của BĐKH và xâm nhập mặn ngày càng nhiều, cùng các chi phí sản xuất đầu vào tăng, trong khi thu nhập của đa phần người trồng lúa còn thấp. Để nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển ngành hàng bền vững, rất cần phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng nhằm tổ chức lại sản xuất một cách hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đặc biệt, các vùng sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC phải thực hiện tốt việc liên kết. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, các địa phương vùng ĐBSCL cần làm tốt công tác củng cố và phát triển các HTX để phát triển chuỗi liên kết lúa gạo. Dự kiến vùng ĐBSCL cần có khoảng 20.000 HTX để thực hiện liên kết tại các vùng tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Không có HTX thì không thể triển khai Đề án đạt các mục tiêu đã đề ra, do vậy các địa phương cần hết sức quan tâm vấn đề này.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG