Vụ lúa đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ có kế hoạch gieo trồng 72.100ha lúa. Ðể sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng này, nông dân đang tích cực chuẩn bị cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng và thực hiện các khuyến cáo của ngành chức năng để phòng tránh các rủi ro do thiên tai và điều kiện sản xuất bất lợi có thể gây ra...
Nông dân chủ động làm đất ngay sau thu hoạch lúa thu đông nhằm chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân (ảnh chụp tại huyện Thới Lai).
Nông dân tích cực chuẩn bị mùa vụ
Ðông xuân là vụ lúa rất quan trọng bởi năng suất chất lượng lúa thường đạt cao nhất trong năm, giúp nông dân có thể đạt được mức lợi nhuận cao và thời vụ sản xuất lúa đông xuân cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ lúa tiếp theo. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng cùng nhiều điều kiện thời tiết và thủy văn diễn biến phức tạp, dự báo sản xuất lúa vụ đông xuân 2024-2025 đối mặt với nhiều bất lợi. Ðặc biệt, mưa nhiều, lũ rút chậm, kết hợp với triều cường ở mức cao, nông dân phải tốn chi phí bơm tát đầu vụ, đồng thời giá nhiều loại vật tư đầu vào cũng đang ở mức cao. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay cũng có nhiều thuận lợi khi thời gian qua giá lúa duy trì ở mức cao, tạo động lực cho nông dân trong đầu tư, phát triển sản xuất. Hiện việc sản xuất lúa cũng được hỗ trợ bởi nhiều loại máy móc cơ giới giúp người nông dân đỡ vất vả mà hiệu quả sản xuất được nâng cao. Thời gian qua, nông dân cũng liên tục được ngành chức năng hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất; nông dân cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ lúa trước các điều kiện sản xuất bất lợi.
Ông Trần Văn Tư, nông dân ở ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Những vụ vừa qua, lúa bán được giá cao hơn rất nhiều so với những năm trước giúp nông dân có lời nên hầu hết bà con nông dân ở địa phương tôi đều rất hăng hái chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới. Bên cạnh đầu tư giống tốt để sản xuất đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư mua sắm và thuê mướn nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới hiện đại để phục vụ sản xuất lúa. Hiện tôi đã mua giống lúa Ðài Thơm 8 cấp xác nhận để chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân cho 2ha đất. Ðồng thời, chủ động mua các loại phân bón và liên hệ trước với các tổ nhóm làm dịch vụ cơ giới, cũng như với bà con trong cùng cánh đồng để bơm tát nước tập trung nhằm giảm chi phí và gieo sạ lúa bằng máy bay nông nghiệp".
Theo anh Nguyễn Văn Khỏe ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, vụ đông xuân này 2,5ha đất của gia đình dự kiến được gieo sạ giống lúa thơm nhằm có được sản phẩm bán giá cao. Ngay từ sớm anh đã tìm mua giống lúa Ðài Thơm 8 đạt cấp xác nhận để sẵn sàng cho vụ sản xuất. Từ hơn 1 tháng nay, ngay sau thu hoạch lúa vụ thu đông, anh chủ động làm đất và thực hiện vệ sinh đồng ruộng, sau đó mở bờ bao đưa nước lũ vào ruộng để lấy phù sa và tiêu diệt các mầm sâu bệnh... Hiện nông dân trong cánh đồng của anh cũng đã chủ động liên kết để thực hiện bơm tát nước tập thể, dự kiến ngày mùng 5 tháng 10 âm lịch sẽ xuống giống lúa đông xuân. Do anh đã tự đầu tư mua sắm được máy bay nông nghiệp nên tới đây không cần phải thuê máy mà còn tranh thủ làm dịch vụ sạ lúa cho bà con tại địa phương để kiếm thêm thu nhập. Ðể gieo sạ 1ha lúa bằng máy bay, chỉ mất khoảng 1 giờ làm việc.
Quan tâm khuyến cáo, hướng dẫn nông dân
Ðể sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng này, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và đang tích cực tăng cường các hoạt động khuyến cáo và hướng dẫn để nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương chuẩn bị tốt cho vụ mùa này. Tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các giải pháp chủ động phòng tránh các rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, sử dụng cơ cấu giống lúa thơm, giống đặc sản như Ðài Thơm 8, Jasmine 85… và các giống lúa mới phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời phải chống chịu được với một số dịch hại quan trọng.
Vụ lúa đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống lúa với diện tích 72.100ha. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa gồm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 3 đến 9-11 (ngày 3 đến 9-10 âm lịch), đợt 2 từ 25-11 đến 1-12-2024 (25-10 đến 1-11 âm lịch). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, các địa phương bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp "xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng", chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen. Trên cơ sở lịch thời vụ khuyến cáo của thành phố, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng" và đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 3 tuần trở lên.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp gieo sạ tập trung, không để xảy ra tình trạng nhiều trà lúa trong cùng một cánh đồng. Áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ cụm, sạ thưa, cấy, không sử dụng lãng phí lượng lúa giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 70 kg/ha. Quan tâm thực hiện làm phẳng mặt ruộng kết hợp với đánh rãnh để chủ động áp dụng giải pháp ngập khô xen kẽ và phòng chống cỏ dại, ốc bươu vàng hiệu quả. Ðẩy mạnh áp dụng giải pháp bón lót vùi phân đầu vụ để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Ðặc biệt, trong tình hình thời tiết, thủy văn có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời các thông tin dự báo mưa, bão, lũ và các khuyến cáo của ngành chức năng để chủ động sản xuất và phòng tránh thiệt hại cho lúa đông xuân khi mới
xuống giống.
Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng yêu cầu các địa phương chú ý triển khai áp dụng "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ÐBSCL" theo Quyết định số 145/QÐ-TT-CLT của Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT. Vụ đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ dự kiến nhân rộng thực hiện mô hình thí điểm triển khai thực hiện "Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030" tại thành phố với diện tích lên hơn 200ha.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG