11/05/2009 - 09:42

UNCTAD:

Việt Nam có tốc độ thu hút FDI hàng đầu châu Á

* Xuất khẩu sang Mỹ gặp khó

(TTXVN)- Theo “Báo cáo đầu tư thế giới” của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu đã giảm tới 21% trong năm ngoái, tuy nhiên, FDI ở châu Á và châu Đại Dương chỉ giảm khoảng 2,2%. Trong các nền kinh tế ở châu Á, việc thu hút FDI giảm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Philippines trong khi tiếp tục tăng nhanh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Báo cáo của UNCTAD cho biết Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ thu hút các nguồn vốn FDI cao nhất. So với năm trước, số vốn cam kết đầu tư đã tăng gấp ba lần, từ 20,3 tỉ USD lên 64 tỉ USD. Việt Nam hiện cũng đang mở cửa lĩnh vực bán lẻ. Các công ty do nước ngoài sở hữu 100% sẽ được phép hoạt động bắt đầu từ năm nay. Những chính sách mới về thuế cũng đã được áp dụng ở một số tỉnh thành kém phát triển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mục đích xây dựng khu vực này thành các trung tâm sản xuất giá rẻ mới.

UNCTAD cũng cho biết các kết quả thu hút FDI ở châu Á trong quý đầu tiên của năm nay và triển vọng cho cả năm 2009 là không thật sự tốt, thậm chí đối với cả nhóm các nước có FDI tăng. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, những căng thẳng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu giảm bớt sẽ tạo ra một làn sóng mới về thu hút FDI ở châu Á. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ở hầu hết 5 nước có sự tăng trưởng về FDI trong năm 2008 là đáng kể, bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu. Mặc dù tình hình tại các khu vực sản xuất theo hướng xuất khẩu đang ngày càng xấu đi, các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục tăng vốn đầu tư nhằm mục đích tận dụng những thị trường nội địa hàng hóa và dịch vụ đang mở rộng nhanh chóng. Cùng với sản xuất, khu vực dịch vụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI, đặc biệt khi chính phủ các nước đang nới lỏng những hạn chế về đầu tư nước ngoài.

* Theo các chuyên gia, những thay đổi gần đây trong Đạo luật Nông trại, còn gọi là Đạo luật Lacey, và Đạo luật Cải tiến An toàn sản phẩm tiêu dùng của Mỹ đã và sẽ tác động lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 và đầu năm 2009.

Đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những quy định khai báo hải quan về xuất xứ gỗ và phải cung cấp đầy đủ các chứng nhận nguồn gốc gỗ khai thác trước khi hàng được vào Mỹ. Còn đối với các mặt hàng dệt may và tiêu dùng khác, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra ngặt nghèo hơn về chất lượng như thành phần kim loại chì, hay thành phần dễ bắt lửa trong sản phẩm.

Chia sẻ bài viết