Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo hiện nay toàn thế giới đã có 2 tỉ người nhiễm viêm gan B (HBV), mỗi năm có thêm 350 triệu người nhiễm mới, 600.000 trường hợp tử vong vì ung thư gan. Ở châu Á, Việt Nam là nước có tỷ lệ người nhiễm HBV đứng thứ nhì sau Đài Loan, với tần suất nhiễm 20% trên dân số. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nhưng do biểu hiện của bệnh không rõ ràng nên người nhiễm HBV thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
* Chủ quan dẫn đến nguy kịch!
 |
|
Vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ để làm việc hôm đầu tháng 10-2012, khi đi qua dãy hành lang bên ngoài khoa ICU, tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ chừng 30 tuổi dáng vẻ lam lũ với chiếc bụng bầu gần sinh, khóc nức nở chạy đến phòng hành chính của khoa để làm thủ tục đưa chồng về nhà, vì bệnh viện đã hết đường cứu chữa. Nhiều thân nhân nuôi bệnh có mặt ở đó hết sức thương cảm, chung tay góp tiền giúp chị lo hậu sự cho chồng. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Chí Kỷ, Phó khoa Cấp cứu của BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: "Chồng chị này bị viêm gan tối cấp, dẫn đến hôn mê gan, quá trình cấp cứu có làm xét nghiệm máu cho thấy tỷ lệ HbsAg dương tính (có virus HBV). Chúng tôi đã tư vấn cho chị là chị và em bé trong bụng đều có nguy cơ nhiễm HBV, phải theo dõi để phòng trị". Chị vợ khóc kể: "Chồng tui làm thợ hồ, ảnh nhậu quá trời, đã nhập viện mấy lần rồi, bác sĩ kêu phải bỏ rượu mà ổng đâu chịu nghe. Bác sĩ nói tui và con tui có nguy cơ lây bệnh này, chắc tui phải chịu chết, chứ tiền đâu mà trị bệnh". Theo bác sĩ Trần Chí Kỷ, nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau bụng, sốt không rõ nguyên nhân vào bệnh viện cấp cứu, bệnh viện cấp cứu qua cơn nguy kịch, nếu xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhân bị HBV thì chuyển sang khoa nhiễm để tiếp tục điều trị.
Trong danh sách những bệnh nhân bị HBV đang điều trị tại BVĐKTƯ Cần Thơ, có nhiều người trình độ học vấn cao, gia đình khá giả, nhưng do chủ quan nên dù tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian, bệnh vẫn không khỏi. Anh Võ Minh T. (56 tuổi, ở quận Ninh Kiều), tâm sự: "Hồi năm 2000, cả gia đình tôi cùng đi xét nghiệm máu để tiêm ngừa HBV. Tôi không tiêm ngừa được, vì kết quả xét nghiệm HbsAg dương tính. Bác sĩ khuyên tôi phải kiên trì uống thuốc để ức chế quá trình phát triển của siêu vi. Lúc đó tôi thấy người mình rất khỏe mạnh nên chủ quan không bỏ nhậu, đồng thời, công việc làm ăn quá bận rộn, tôi không có thời gian khám thường xuyên,
Đến năm 2011 tôi đổ bệnh thì ngoài HBV tôi còn bị bệnh gút và tiểu đường, phải lên TP Hồ Chí Minh điều trị suốt 2 năm, tốn hơn 1 tỉ đồng. Giờ sức khỏe tôi đã ổn định, nhưng bác sĩ nói tôi phải khám bệnh, uống thuốc thường xuyên thì mới mong kéo dài tuổi thọ".
* HBV - kẻ giết người thầm lặng!
Đến nay, y học xác định đã có 5 loại siêu vi gây ra căn bệnh viêm gan, đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái: A, B, C, D và E. Trong đó HBV là căn bệnh nguy hại nhất, hơn cả viêm gan siêu vi C, bởi vì HBV lây qua 3 đường: truyền máu (tiêm chích, truyền dịch, xỏ lỗ tai hoặc xăm thẩm mỹ,
), đường tình dục và từ mẹ sang con khi sanh đẻ; còn viêm gan siêu vi C chỉ lây qua 2 đường (không có đường từ mẹ sang con). Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), cho biết: "Điều tai hại là bệnh nhân đã mang mầm bệnh HVB nhưng vẻ ngoài của họ vẫn bình thường (chỉ khi xét nghiệm mới phát hiện). Những người này sẽ phát bệnh khi kháng thể trong người họ suy giảm và họ là mầm móng truyền virus HBV cho người khác".
HBV diễn biến qua 3 dạng: viêm gan cấp, viêm gan tối cấp và viêm gan mạn. Viêm gan cấp thường xảy ra khi siêu vi mới tấn công vào gan, người bệnh có triệu chứng sốt, mệt mỏi, vàng da. Sốt là triệu chứng đầu tiên, mệt mỏi là triệu chứng tiên quyết, vì có khi người bệnh chỉ thấy "hâm hâm nóng", tưởng là bị cảm xoàng, nhưng người lại mệt mỏi kinh khủng. Vàng da: xuất hiện sau sốt vài ngày, vàng da toàn cơ thể, nhất là mắt và nước tiểu. Bệnh diễn ra trong 2-3 tuần, nếu không có biến chứng thì người bệnh khỏe lại, da và nước tiểu hết vàng. Viêm gan tối cấp có các triệu chứng như viêm gan cấp, nhưng tiến triển rất nhanh: ban đầu người bệnh chỉ lừ đừ, vật vã, có khi 2 tay co giật nhẹ, mạch nhanh thở gấp, dần dần đi vào hôn mê và tử vong. Y học gọi là "hôn mê gan". Viêm gan mạn thường xảy ra sau khi người bệnh bị viêm gan cấp khoảng từ một tháng đến một năm, nhưng không tiếp tục đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, theo dõi sự gia tăng của men gan.
HBV mạn tính thường xuất hiện 2 thể tiềm ẩn (dai dẳng) và hoạt động (thể tấn công). Người bị HBV mạn tính thể tiềm ẩn có triệu chứng mệt mỏi, ăn chậm tiêu, táo bón. Do triệu chứng không rõ rệt nên bệnh nhân thường không chú ý, không kịp thời điều trị. Còn HBV mạn tính thể tấn công sẽ có các triệu chứng rõ rệt là: người rất suy nhược, chán ăn, thường bị dị ứng (nổi mề đay, ngứa), luôn luôn bị no hơi, đầy bụng và thỉnh thoảng có một đợt sốt không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng này thường kéo dài, ngày càng trầm trọng làm người bệnh suy sụp. Cả 2 thể bệnh, nếu không điều trị kịp thời đều dẫn đến ung thư gan, người bệnh tử vong rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, cảnh báo: "Quá trình điều trị HBV mạn tính cho bệnh nhân là nam giới thường khó khăn và kéo dài, vì phần lớn có thói quen uống rượu, bia. Có người mắc thêm các bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, gút, tiểu đường, điều trị vô cùng tốn kém vẫn không khỏi bệnh. Do HBV là bệnh diễn biến âm thầm, nên y học đã gọi HBV là kẻ giết người thầm lặng. Để phòng tránh HBV việc cần thiết là tiêm ngừa và có lối sống lành mạnh!".
Bài, ảnh: Đình Khôi