Để Cần Thơ phát huy thế và lực, khẳng định vững chắc vai trò đầu tàu của vùng, Trung ương đã kịp thời ban hành những quyết sách đưa thành phố vững vàng tiến bước trên hành trình mới. Những quyết sách này hỗ trợ đắc lực cho TP Cần Thơ trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tạo mũi đột phá để Cần Thơ khẳng định vai trò trung tâm, sức lan tỏa cùng sức hút đối với vùng ĐBSCL và cả nước.
Tâm thế mới
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 30-8-2021, Chính phủ có Nghị quyết số 98/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW. Ðến ngày 11-1-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương, thành phố kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các viện, trường, từng bước đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thành phố trong một số lĩnh vực, đặc biệt là vai trò kết nối trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố và cả vùng ĐBSCL.
Nhanh chóng đưa các cơ chế đặc thù Nghị quyết số 45/2022/QH15 vào thực tiễn, tại Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 TP Cần Thơ mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư đã “hiến kế” cho sự hình thành và phát triển của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Quy mô của Trung tâm dự kiến có 2 khu. Trong đó, Khu 1 có diện tích khoảng 50ha tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; khu 2 có diện tích dự kiến 200ha, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Trung tâm thực hiện 10 chức năng: đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; cung cấp các dịch vụ công; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; dịch vụ hỗ trợ (văn phòng cho thuê, bưu điện, ngân hàng…); dịch vụ logistics (kho bãi, xếp dỡ…); dịch vụ tư vấn đầu tư, các chuyên môn khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản…
Đại học Cần Thơ (CTU) - cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Sinh viên CTU học tập, nghiên cứu tại Trung tâm Học liệu. Ảnh: MỸ THANH
Hứa hẹn trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng cũng như cụ thể hóa nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ.
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Trung tâm sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của địa phương và vùng. Trung tâm dự kiến được xây dựng theo mô hình mở gắn kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp, viện trường với định hướng trở thành hạt nhân kết nối trong khu vực ĐBSCL.
Thế và lực mới cho thành phố đã sẵn sàng, thành phố xác định phát huy vai trò trung tâm nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ; nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý có trình độ cao so với các địa phương khác. Ngày 7-9-2023, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Thành phố khuyến khích việc phát hiện, tiến cử nhân tài có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, có khát vọng cống hiến vì sự phát triển TP Cần Thơ; có công trình, sản phẩm, thành tích hoặc cống hiến đặc biệt tiến bộ, phát triển ở các ngành, lĩnh vực như kinh tế, pháp luật, khoa học công nghệ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Khẳng định vai trò, vị trí của TP Cần Thơ trong giai đoạn phát triển mới, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, nhấn mạnh: “Nghị quyết số 59-NQ/TW xác định rõ: Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ này không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn là nhiệm vụ của cả vùng ĐBSCL và cả nước, trong đó xác định nguồn lực nội tại của Cần Thơ là chủ lực, nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của Cần Thơ. Quan điểm trên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình TP Cần Thơ thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 59-NQ/TW đề ra”.
Khẳng định vai trò liên kết vùng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi các công trình, dự án, đề án do Cần Thơ làm “nhạc trưởng” đi vào hoạt động, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Khi Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo tính lan tỏa về cả kinh tế lẫn xã hội. Trong đó, về kinh tế, dự kiến Trung tâm thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỉ đồng và hơn 9.000 tỉ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Cùng với đó, giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản. Về xã hội, Trung tâm góp phần tạo công ăn việc làm, điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia tăng cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng ĐBSCL.
Các nhà đầu tư lớn cũng chọn Cần Thơ là điểm đến tin cậy và sẵn sàng bắt tay hợp tác để đưa thành phố và các địa phương trong vùng cùng phát triển. Đại tá Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của các địa phương trong vùng, Tân Cảng Sài Gòn đã đầu tư cơ sở vật chất ở TP Cần Thơ như Cảng Tân Cảng Cái Cui, Tân Cảng Thốt Nốt, ở Đồng Tháp là Tân Cảng Sa Đéc, Tân Cảng Cao Lãnh… với hệ thống kết nối từ Cái Mép, Cát Lái xuống ĐBSCL và kể cả đi thị trường Campuchia. Tân Cảng Sài Gòn cùng VSIP ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nhằm kết nối phát triển hạ tầng khu công nghiệp phục vụ thu hút các nhà đầu tư vào ĐBSCL và cung cấp giải pháp logistics trọn khâu cho doanh nghiệp khu công nghiệp với chi phí tiết kiệm nhất. Với quan điểm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, chúng tôi kỳ vọng mang đến sự phát triển cho vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng”.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Nghị quyết số 59-NQ/TW đề ra nhiệm vụ trọng tâm là “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng”. Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải thực hiện và do TP Cần Thơ thực hiện với số lượng các dự án giao thông chiếm trên 50% danh mục dự án; trong đó có bổ sung một số dự án mới trọng điểm về đường bộ cao tốc, đường sắt qua địa bàn thành phố. Từ những Nghị quyết quan trọng này, thành phố tiếp tục huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư các dự án cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế. Từ đó, tạo sức lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.