30/09/2023 - 09:23

Cần Thơ 20 năm xây dựng và phát triển

Vị thế mới, quyết tâm cao 

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Bài 4: Khơi thông nguồn lực

TP Cần Thơ luôn xác định kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần được ưu tiên đầu tư phát triển trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Qua 20 năm, thành phố đã tranh thủ nhiều nguồn lực trong và ngoài ngân sách để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đưa Cần Thơ xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương và trung tâm kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL.

Lãnh đạo thành phố khảo sát tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh:  MỸ THANH

Dấu ấn

Những năm qua, các nguồn vốn đầu tư cho TP Cần Thơ được huy động đa dạng về hình thức, phát huy tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo, nông thôn mới…, tăng cường tính kết nối, đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ TP Cần Thơ đi các tỉnh, vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỉ đồng năm 2004 lên 14.155 tỉ đồng năm 2010, đạt 22.000 tỉ đồng năm 2020 và ước năm 2023 đạt 30.913 tỉ đồng, tăng bình quân 12,3%/năm.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng qua địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó đã hoàn thành đưa vào hoạt động Cầu Cần Thơ, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu, đường Nam Sông Hậu... Trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Bắc Nam phía Ðông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; Nâng cấp, mở rộng đường Nam sông Hậu (phạm vi trên địa bàn TP Cần Thơ từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); Xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; Nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; Ðường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ...

Sau gần ba thập niên xây dựng và phát triển, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển ngành Công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ. Tính đến năm 2023, TP Cần Thơ quy hoạch phát triển 8 KCN, với tổng diện tích khoảng 2.260,3ha. Trong đó có 7 KCN được thành lập, với tổng diện tích khoảng 1.157ha. Lũy kế đến nay, các KCN thu hút 258 dự án đầu tư, các dự án thuê 342,82ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,884 tỉ USD, vốn thực hiện 1,136 tỉ USD chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, thời gian tới, cần có những quyết sách đột phá để thu hút đầu tư, phát triển hiệu quả các KCN, ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng ÐBSCL. Cần tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, HÐH hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hạ tầng giao thông cần nâng cấp, mở rộng, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các phương thức giao thông. Thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn trên địa bàn. Trong đó, tập trung hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông xung quanh khu vực KCN theo quy hoạch. Tăng cường khả năng thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả.

Hướng đến trở thành trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) của vùng, những năm qua, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KH&CN hiện đại, đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực KH&CN luôn được đặt lên hàng đầu. Tiềm lực KH&CN, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ CNH, HÐH ngày càng được tăng cường. Hiện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN của thành phố thực hiện vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống, góp phần gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của thành phố. Bên cạnh đó, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ươm tạo công nghệ. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng thực hiện các hoạt động kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa, môi trường, công trình và hệ thống quản lý hàng đầu của khu vực.

Tận dụng cơ hội mới

Ngày 9-9, VSIP Group chính thức khởi động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh, giai đoạn 1 (KCN VSIP Cần Thơ) tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ông Koh Chiap Khiong, Giám đốc điều hành Sembcorp Industries thị trường Singapore và Ðông Nam Á, đại diện Becamex, Sembcorp, VSIP, cho biết: Những khoản đầu tư tích cực của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng ở ÐBSCL là nền tảng thúc đẩy kinh tế địa phương của Cần Thơ. Chúng tôi hy vọng cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thiện kịp tiến độ, phù hợp với các cột mốc phát triển của VSIP Cần Thơ. Dự án tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của ÐBSCL; giáp ranh 3 tỉnh: Ðồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, thuận tiện kết nối với hệ thống cảng, sân bay và các dịch vụ tiện ích của trung tâm thành phố. VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình KCN thông minh và bền vững và đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics "từ trung tâm đến cảng" và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.

Hạ tầng giao thông cần được ưu tiên đầu tư phát triển trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025 thành phố triển khai thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực của thành phố để thực hiện các dự án giao thông đường bộ như dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ; dự án đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C); dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 923, 917, 918, 921; nâng cấp các trục đường nội ô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng tải trọng các cầu để đồng bộ với tải trọng đường. Ðồng thời, chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do Trung ương đầu tư, tăng kết nối vùng, góp phần quan trọng trong việc khắc phục một trong những điểm nghẽn đối với thành phố, khai thác tối đa tiềm năng, hiệu quả trong khai thác quỹ đất đô thị, tăng tính liên kết, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương và các tỉnh trong vùng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Xây dựng TP Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, nhấn mạnh: Các công trình đều có tính chất quan trọng, có vai trò động lực cho phát triển TP Cần Thơ. Nếu làm tốt, sớm đưa vào khai thác vận hành, các công trình này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố. Các dự án không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn nâng cao mức sống cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án bởi khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân được đưa vào các khu tái định cư khang trang, hiện đại, đồng bộ và sẽ sớm trở thành những khu thương mại dịch vụ trong tương lai; đây cũng là cơ hội để chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại. Do vậy, cả hệ thống chính trị của thành phố đều vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

*  * *

Trải qua chặng đường 20 năm, nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của TP Cần Thơ tuy có nhiều khởi sắc, nhưng chưa mang tính đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vai trò hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của thành phố đối với sự phát triển của vùng ÐBSCL chưa thể hiện rõ nét. Những tồn tại, hạn chế cùng khó khăn, thách thức được nhận diện kịp thời sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố tận dụng hiệu quả những thời cơ, vận hội mới…

Bài cuối: Kết nối và lan tỏa

Chia sẻ bài viết