29/09/2023 - 09:10

Cần Thơ 20 năm xây dựng và phát triển

Vị thế mới, quyết tâm cao 

Bài 3:  Mở rộng không gian phát triển

TP Cần Thơ có những bước phát triển mạnh mẽ và đang xây dựng để hình thành diện mạo mới với đặc trưng là đô thị sinh thái sông nước. Trong tiến trình phát triển, công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã và đang góp phần cải thiện diện mạo thành phố gắn với nâng chất lượng sống, cải thiện sinh kế cho người dân...

Một góc đô thị sông nước Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Gìn giữ bản sắc đô thị

Triển khai Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QÐ-TTg, ngày 28-8-2013, đến nay, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thiện. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, đã lập và phê duyệt 7 đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, cao độ nền, chiếu sáng, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, cây xanh) quy hoạch phân khu đô thị các quận đã được phê duyệt, quy hoạch chung xây dựng xã đạt 100%. Các quy hoạch là cơ sở phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình đảm bảo đồng bộ, hài hòa cho bộ mặt đô thị của thành phố nói chung và từng quận, huyện nói riêng.

Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, từ định hướng quy hoạch xây dựng được duyệt, ngành xây dựng đã chung tay cùng các đơn vị, địa phương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác nhiều dự án, công trình. Qua đó bổ sung không gian công cộng, tạo điểm nhấn mới của đô thị và đa phần gắn với cảnh quan sông nước đặc trưng của thành phố như cầu đi bộ (bến Ninh Kiều), hệ thống công viên sông Cần Thơ, sông Hậu, Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ... Thành phố cũng quy hoạch Khu hành chính tập trung tại Trung tâm Văn hóa Tây Ðô. Ðây là nơi bổ sung nhiều công trình phục vụ người dân và là điểm nhấn trong hệ thống thiết chế văn hóa và hành chính của TP Cần Thơ với định hướng từng bước xác lập những nét mới trong bản sắc kiến trúc thành phố.

TP Cần Thơ đón thời cơ và vận hội mới khi ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW, về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 59-NQ/TW xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL…; là đô thị hạt nhân của vùng. Về quy hoạch đô thị, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào giải quyết 3 vấn đề chính là: tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế hóa trong công cụ quy hoạch xây dựng (công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; quy chế quản lý kiến trúc…; thông qua nâng chất lượng quản trị đô thị để tạo đà cho phát triển đô thị (thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội, huy động cả về vốn tri thức, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính); góp phần xác lập bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL ở lĩnh vực không gian đô thị.

Ngay trước thời điểm Nghị quyết 59-NQ/TW được ban hành, UBND TP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (còn gọi là quy hoạch tích hợp) tại Quyết định số 1056/QÐ-TTg, ngày 20-7-2020. Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, thể hiện sự đổi mới, cải cách trong công tác quy hoạch. Với phương pháp tiếp cận tổng hợp, mang tính tích hợp quy hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, khắc phục những hạn chế. Từ đó định hướng phát triển không gian hợp lý, kết hợp và sử dụng hài hòa các nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Hài hòa trụ cột phát triển

Hiện nay, UBND TP Cần Thơ đang khẩn trương hoàn thành Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 1 trong 4 quan điểm chính của quy hoạch được thành phố xác định là “Phát triển cân bằng cả 3 lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường”. Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng; chú trọng yếu tố thị trường và hợp tác giữa các thành phần kinh tế trong phát triển; lấy yếu tố công nghệ, hiện đại làm trọng tâm; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ...

Theo ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố tập trung phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) tập trung theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp chiến lược, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và nhà phát triển hạ tầng KCN có tầm cỡ để tạo những mũi nhọn và hạ tầng công nghiệp hiện đại. Qua đó, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp đa dạng các ngành nghề, thuận lợi cho phát triển cộng sinh công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ… Việc phát triển KCN sẽ song hành với cải thiện hạ tầng xã hội; sản xuất công nghiệp tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, thương mại và dịch vụ của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng ÐBSCL như Nghị quyết số 59-NQ/TW đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp thành phố xây dựng và phát triển 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 422 sản phẩm nông sản và thủy sản, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông hộ và giảm nghèo bền vững. Giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, chế biến bảo quản nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, trong nội dung quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ở phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, quy hoạch xác định 5 trục động lực kinh tế với 2 trục dọc bao gồm: tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phát triển về công nghiệp, du lịch sinh thái, đô thị; tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp. Ba trục ngang bao gồm: dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi;  đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng thiên về phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp, tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ÐBSCL.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Theo dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chương trình, dự án và thứ tự ưu tiên trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với quan điểm, các đột phá phát triển và định hướng phát triển của các ngành quan trọng, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư theo từng thời kỳ; ưu tiên các dự án liên vùng, liên quận huyện, dự án then chốt, đột phá, lan tỏa và tạo động lực mạnh mẽ; phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư từ bên ngoài các nguồn lực trong và ngoài nước. Khi quy hoạch được phê duyệt, các sở, ngành thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra của quy hoạch, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp: huy động, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn đầu tư phát triển và cung ứng nguồn nhân lực, phát triển thị trưởng lao động; tăng cường bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.

* * *

Trong giai đoạn mới, TP Cần Thơ xác định cần xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp và có sự nỗ lực, phấn đấu từ sức mạnh nội sinh của thành phố, với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương. Bên cạnh đó vận dụng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tạo nguồn lực tổng hợp, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển
thành phố.

Bài 4: Khơi thông nguồn lực

MINH HUYỀN - MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết